Từ ngày 03 đến 04 tháng 4 năm 2018, đoàn cán bộ của Cục Viễn thám quốc gia đã tham dự Hội nghị của Tiểu ban Công nghệ vũ trụ và ứng dụng ASEAN (SCOSA) lần thứ 29 tại Singapore. Cuộc họp của SCOSA là hoạt động thường niên của đại diện các quốc gia ASEAN trong Tiểu ban Công nghệ vũ trụ và ứng dụng ASEAN nhằm chuẩn bị nội dung cho các Hội nghị khoa học và công nghệ cấp cao các nước ASEAN. Cuộc họp SCOSA-29 lần này được tổ chức nhằm chuẩn bị các nội dung và báo cáo của Tiểu ban cho Hội nghị Ủy ban Khoa học và Công nghệ ASEAN (COST) lần thứ 73. Cuộc họp SCOSA-29 diễn ra dưới sự điều hành của Chủ tịch SCOSA, Ông KWOH Leong Keong, Giám đốc Trung tâm xử lý ảnh viễn thám (CRISP), Đại học Quốc gia Singapore. Tham dự Cuộc họp có sự tham dự của Ban thư ký ASEAN và 08 nước thành viên ASEAN bao gồm: Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippine, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Các thành viên tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Cuộc họp lần này đã điểm lại những nội dung chính của các báo cáo từ Ban thư ký ASEAN bao gồm Thông tin về Hội nghị Bộ trưởng về khoa học và công nghệ lần thứ 72 (COST-72), Cuộc họp của Ban tư vấn cho COST (BAC) lần 3, Hội thảo chuyên gia Trạm thu mặt đất giữa các nước ASEAN do Philippine đăng cai tổ chức, Hội nghị đối thoại SCOSA-APRSAF lần thứ 23 tại Ấn Độ tháng 11 năm 2017 cũng như các hoạt động Hội thảo do Thái Lan tổ chức vào tháng 3 năm 2018,...
Đồng thời, đại diện Ban thư ký ASEAN cũng đã cập nhật Kế hoạch thực hiện Quỹ khoa học công nghệ và đổi mới ASEAN (APASTI) giai đoạn 2016-2025. Sau đó, tập trung chủ yếu thảo luận và thống nhất những chương trình, dự án hoạt động của Tiểu ban SCOSA.

Các đại biểu thảo luận tại phiên họp
Tham dự Cuộc họp, phía Việt Nam có sự tham dự của 02 đại biểu của Cục Viễn thám quốc gia, gồm: Ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng (Đại diện SCOSA Việt Nam) và Ông Nghiêm Văn Tuấn, Trưởng Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế. Trong cuộc họp này, phía Việt Nam cũng đề xuất việc tổ chức Hội thảo quốc tế giữa các nước ASEAN để trình bày về kỹ thuật và quảng bá kết quả của Dự án Xây dựng liên kết Cộng đồng chung Châu Âu hướng tới khu Đông Nam Á thông qua hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (H2020 BELS) do Việt Nam thực hiện trong khuôn khổ hợp tác ASEAN-EU.

Đoàn công tác của Cục Viễn thám quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham dự Cuộc họp SCOSA-29
Trong cuộc họp, các đại biểu cũng đã thảo luận và thống nhất một số nội dung quan trọng liên quan đến chiến lược phát triển công nghệ vũ trụ của ASEAN, việc hợp tác phát triển công nghệ vũ trụ và ứng dụng giữa các nước trong ASEAN và giữa các nước ASEAN với các đối tác quan trọng như Nhật Bản, Ấn Độ. Trong dịp này, đại diện các nước tham dự SCOSA-29 cũng đã thống nhất với Cơ quan vũ trụ Nhật Bản (JAXA) về việc tiếp tục duy trì Hệ thống hỗ trợ giám sát thiên tai khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Sáng kiến Sentinel Asia là sự hợp tác quốc tế giữa các cơ quan không gian, các cơ quan quản lý thiên tai và các tổ chức quốc tế để áp dụng các công nghệ viễn thám và Web-GIS để hỗ trợ quản lý thiên tai ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Mục tiêu của nó bao gồm:
- Nâng cao an toàn trong xã hội bằng công nghệ thông tin và truyền thông và công nghệ viễn thám;
- Cải thiện về tốc độ và độ chính xác của việc cảnh báo sớm và phòng ngừa thảm họa thiên nhiên;
- Giảm thiểu số nạn nhân và tổn thất xã hội / kinh tế.
Về hợp tác ASEAN-Ấn Độ, các bên cũng nhất trí sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về công nghệ vũ trụ với Ấn Độ, trong đó nhấn mạnh đến việc thực hiện Dự án “Thiết lập trạm dò tìm, tiếp nhận dữ liệu và Trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh”, triển khai tại Việt Nam và Indonesia; và đặc biệt là hỗ trợ công tác đào tạo sau đại học về viễn thám và công nghệ vũ trụ cho các nước thành viên ASEAN. Theo cam kết, trong vòng 5 năm tới, Ấn Độ sẽ cấp học bổng và hỗ trợ đào tạo sau đại học về công nghệ viễn thám, công nghệ vệ tinh cho mỗi quốc gia ASEAN từ 2 đến 3 người.
Tham gia cuộc họp, đoàn công tác của Cục Viễn thám quốc gia đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến trong các buổi thảo luận trên tinh thần đại diện quốc gia tại SCOSA nhằm thúc đẩy sự hợp tác trong khu vực ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác về công nghệ vũ trụ nói chung và viễn thám nói riêng. Đồng thời trong cuộc họp, phía Cục Viễn thám quốc gia cũng đã có những thảo luận và đề xuất hợp tác song phương với một số nước như Nhật bản, Thái Lan về ứng dụng viễn thám và GIS trong giám sát tài nguyên, môi trường và thiên tai tại Việt Nam.