Công bố Báo cáo đặc biệt của IPCC về tác động của việc ấm lên toàn cầu 1.5oC
10/10/2018
Báo cáo đặc biệt này được phê duyệt chính thức tại Phiên họp thứ nhất của các Nhóm công tác I, II và III và được chấp nhận trong Phiên họp thứ 48 của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) ngày 6/10 vừa qua. "Việc IPCC lựa chọn Việt Nam để công bố Báo cáo đặc biệt của IPCC về tác động của việc ấm lên toàn cầu 1.5oC là một sự kiện quan trọng; giúp chúng ta hiểu hơn về tác động của biến đổi khí hậu để tìm ra các giải pháp thích ứng và tiếp tục phát triển bền vững đất nước." - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại Hội nghị Đối thoại cấp cao về biến đổi khí hậu sáng 10/10/2018.

Hội nghị Đối thoại cấp cao về biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 10/10/2018. Hội nghị có sự tham gia của các nhà quản lý, hoạch định chính sách, đại diện các đối tác phát triển, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan truyền thông.

Hội nghị đã giới thiệu về Báo cáo đặc biệt của IPCC về tác động của việc ấm lên toàn cầu 1.5oC, những nỗ lực ứng phó với biến đổ khí hậu (BĐKH) toàn cầu và khuyến nghị cho Việt Nam.

Đoàn chủ trì Hội nghị

Trách nhiệm của tất các các Bên trong ứng phó với BĐKH thông qua thực hiện các cam kết nêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị đối thoại cấp cao, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh lại ý nghĩa và vai trò Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH lần thứ 21 (COP21) tháng 12/2015, với việc  đã thông qua Thoả thuận Paris - khuôn khổ pháp lý toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm của tất các các Bên trong ứng phó với BĐKH thông qua thực hiện các cam kết nêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Với nỗ lực của tất cả các Bên, Thoả thuận Paris đã có hiệu lực chưa đầy một năm kể từ khi được thông qua và hiện đang được các quốc gia trên thế giới nỗ lực triển khai thực hiện.

"Mặc dù các nước đã đệ trình NDC vào cuối năm 2015, tuy nhiên, ngay cả khi tất cả các NDC được thực hiện đầy đủ, nhiệt độ trung bình toàn cầu vẫn có thể tiếp tục tăng. Điều này đòi hỏi tất cả các Bên cần nỗ lực hơn nữa để đạt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới ngưỡng 2oC vào cuối thể kỷ so với thời kỳ tiền công nghiệp." - Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định tầm quan trọng của việc quốc gia xem xét, điều chỉnh nỗ lực ứng phó.

Đồng thời, Thứ trưởng cũng cho hay, từ ngày 02 đến ngày 05/10 vừa qua, tại Sông-đô, Hàn Quốc, đại diện các quốc gia đã thảo luận rất nhiều vấn đề liên quan đến nội dung Báo cáo 1,5oC của IPCC.

"Việc IPCC lựa chọn Việt Nam để công bố Báo cáo đặc biệt của IPCC về tác động của việc ấm lên toàn cầu 1.5oC là một sự kiện quan trọng; giúp chúng ta hiểu hơn về tác động của biến đổi khí hậu để tìm ra các giải pháp thích ứng và tiếp tục phát triển bền vững đất nước." - Thứ trưởng nhấn mạnh tới vai trò và tầm quan trọng của việc công bố Báo cáo tại Hội nghị đối thoại cấp cao về BĐKH.

Ông Hoesung Lee, Chủ tịch Ban Liên chính phủ của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (IPCC) thông tin về Báo cáo 1,5oC

Báo cáo đặc biệt về tác động của sự nóng lên 1,5°C trên toàn cầu so với thời kỳ tiền công nghiệp và các lộ trình phát thải khí nhà kính toàn cầu tương ứng, trong bối cảnh tăng cường ứng phó toàn cầu với mối nguy biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, và các nỗ lực xóa nghèo

(Tóm tắt các nội dung chính)

A. Về Nóng lên toàn cầu 1,5°C

1. Ước tính, các hoạt động của con người đã làm nóng lên toàn cầu khoảng 1,0°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, với khoảng có khả năng là 0,8°C - 1,2°C. Nóng lên toàn cầu có khả năng đạt 1,5°C trong giai đoạn năm 2030 - 2052 nếu nhiệt độ tiếp tục tăng với tốc độ hiện Hiểu tại (độ tin cậy cao),.

2. Sự nóng lên do phát thải từ các hoạt động của con người từ giai đoạn tiền công nghiệp đến hiện tại sẽ tồn tại hàng thế kỷ, thậm chí tới hàng nghìn năm, và sẽ tiếp tục gây ra những thay đổi lâu dài trong hệ thống khí hậu, ví dụ mực nước biển dâng, với các tác động đi kèm (độ tin cậy cao), nhưng chỉ riêng những phát thải này không chắc có khả năng (unlikely) gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu 1,5°C (độ tin cậy trung bình).

3. Rủi ro liên quan đến khí hậu đối với các hệ thống tự nhiên và con người cao hơn đối với sự nóng lên toàn cầu 1,5°C ở thời điểm hiện tại, nhưng thấp hơn so với mức  2°C (độ tin cậy cao). Những rủi ro này phụ thuộc vào độ lớn và tốc độ nóng lên, vị trí địa lý, mức độ phát triển và tình trạng dễ bị tổn thương, và các lựa chọn và việc thực hiện các tùy chọn thích ứng và giảm nhẹ (độ tin cậy cao).

B. Dự báo biến đổi khí hậu, tác động tiềm tàng và rủi ro đi kèm

1. Các mô hình khí hậu dự báo những khác biệt lớn về đặc điểm khí hậu khu vực giữa hiện tại và khi nóng lên toàn cầu 1,5°C, và giữa nóng lên toàn cầu 1,5°C và 2°C. Những khác biệt này bao gồm tăng: nhiệt độ trung bình ở hầu hết các vùng đất và đại dương (độ tin cậy cao), hình thái cực nóng ở hầu hết các khu vực sinh sống (độ tin cậy cao), lượng mưa lớn ở một số vùng (độ tin cậy trung bình) và khả năng hạn hán và thiếu lượng mưa ở một số vùng (độ tin cậy trung bình).

2. Đến năm 2100, mực nước biển dâng trung bình toàn cầu được dự đoán là thấp hơn khoảng 0,1 mét khi nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C so với mức 2°C (độ tin cậy trung bình). Mực nước biển sẽ tiếp tục tăng sau năm 2100 (độ tin cậy cao), và mức độ tăng và tốc độ tăng này phụ thuộc vào các lộ trình phát thải trong tương lai. Tốc độ dâng mực nước biển chậm hơn sẽ tạo nhiều cơ hội thích ứng hơn trong các hệ thống sinh thái và con người ở các đảo nhỏ, vùng trũng ven biển thấp và đồng bằng châu thổ (độ tin cậy trung bình).

3. Trên đất liền, tác động đến đa dạng sinh học và hệ sinh thái, gồm cả sự mất đi và tuyệt chủng các loài, dự kiến sẽ thấp hơn khi nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C so với mức 2°C. Hạn chế nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C so với 2°C được dự báo sẽ giảm tác động lên các hệ sinh thái trên cạn, nước ngọt và ven biển, và giữ lại được nhiều công năng hơn của các hệ sinh thái này đối với con người (độ tin cậy cao).

4. Hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C so với 2ºC được dự báo là làm giảm sự gia tăng nhiệt độ đại dương cũng như làm tăng độ axit của đại dương và làm giảm nồng độ oxy trong đại dương (độ tin cậy cao). Do đó, giới hạn nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C được dự báo là làm giảm rủi ro đối với đa dạng sinh học biển, thủy sản và hệ sinh thái, và các chức năng và dịch vụ của chúng đối với con người, như được minh họa bằng những thay đổi gần đây đối với băng biển Bắc cực, hệ sinh thái rặng san hô nước ấm (độ tin cậy cao).

5. Các rủi ro liên quan đến khí hậu đối với sức khỏe, sinh kế, an ninh lương thực, cấp nước, an ninh con người, và tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ tăng lên khi nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C và tăng cao hơn nữa khi mức này là 2°C.

6. Hầu hết các nhu cầu thích ứng sẽ thấp hơn khi nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C so với mức 2°C (độ tin cậy cao). Có một loạt các tùy chọn thích ứng có thể làm giảm rủi ro biến đổi khí hậu (độ tin cậy cao). Có những giới hạn thích ứng và khả năng thích ứng đối với một số hệ thống con người và tự nhiên khi nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C, với các thiệt hại đi kèm (độ tin cậy trung bình). Số lượng và tính khả dụng của các tùy chọn thích ứng thay đổi theo ngành (độ tin cậy trung bình).

C. Lộ trình phát thải và chuyển tiếp hệ thống phù hợp với sự nóng lên toàn cầu 1,5°C

1. Trong các lộ trình mô hình không vượt hoặc vượt ít mức 1,5°C, lượng phát thải CO2 ròng do con người tạo ra trên toàn cầu giảm khoảng 45% từ năm 2010 đến năm 2030 (khoảng 40-60% khoảng tứ phân vị), đạt mức ròng bằng 0 vào khoảng năm 2050 (khoảng 2045–2055 khoảng tứ phân vị). Để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở dưới 2°C dự kiến, lượng phát thải CO2 phải giảm khoảng 20% tới năm 2030 ở hầu hết các lộ trình (10-30% khoảng tư phân vị) và đạt mức ròng bằng 0 vào khoảng năm 2075 (khoảng tứ phân vị 2065-2080). Phát thải phi CO2 theo các lộ trình nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C cũng cần giảm sâu tương tự như những lộ trình hạn chế sự nóng lên ở mức 2°C (độ tin cậy cao).

2. Những lộ trình hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C mà không vượt hoặc vượt ít so với giới hạn sẽ đòi hỏi sự chuyển tiếp nhanh chóng và sâu rộng về năng lượng, đất đai, đô thị và cơ sở hạ tầng (bao gồm cả giao thông và công trình) và hệ thống công nghiệp (độ tin cậy cao). Những hệ thống chuyển tiếp này chưa từng có về mặt quy mô, nhưng không nhất thiết về mặt tốc độ và ngụ ý giảm phát thải sâu trong tất cả các lĩnh vực, một danh mục rộng lớn các tùy chọn giảm thiểu và tăng đáng kể các khoản đầu tư vào các tùy chọn đó (độ tin cậy trung bình).

3. Tất cả lộ trình giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,50C mà bị hạn chế không vượt quá giới hạn dự tính có mức sử dụng loại carbon dioxit (CDR) theo thứ tự 100-1000 GtCO2 trong thế kỷ 21. CDR sẽ được sử dụng dể bù đắp cho lượng phát thải dư và, trong hầu hết các trường hợp, đạt được lượng phát thải âm ròng để trở lại mức nhiệt độ nóng lên toàn cầu là 1,50C sau khi đạt đỉnh (độ tin cậy cao). Việc triển khai CDR của vài trăm GtCO2 phụ thuộc vào nhiều ràng buộc về sự khả thi và tính bền vững (độ tin cậy cao).  Giảm phát thải ngắn hạn và các biện pháp hạ thấp năng lượng và nhu cầu sử dụng đất một cách đáng kể có thể hạn chế việc triển khai CDR tới vài trăm GtCO2 mà không phụ thuộc vào năng lượng sinh học với việc thu và lưu giữ carbon (BECCS) (độ tin cậy cao).

D. Tăng cường ứng phó toàn cầu trong bối cảnh phát triển bền vững và nỗ lực xóa đói giảm nghèo

1. Các ước tính về kết quả phát thải toàn cầu của các tham vọng giảm thiểu hiện hành trên toàn quốc như được đệ trình theo Thỏa thuận Paris sẽ dẫn tới phát thải khí nhà kính toàn cầu18 vào năm 2030 là 52–58 GtCO2eq yr-(độ tin cậy trung bình). Các lộ trình phản ánh những tham vọng này sẽ không hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,50C, ngay cả khi được bổ sung bởi sự gia tăng rất khó khăn về quy mô và tham vọng giảm phát thải sau năm 2030 (độ tin cậy cao). Để tránh việc vượt quá giới hạn và phụ thuộc vào việc triển khai quy mô lớn trong tương lai trong việc loại bỏ carbon dioxit (CDR) chỉ có thể đạt được nếu phát thải CO2 trên toàn cầu bắt đầu giảm tốt trước năm 2030 (độ tin cậy cao).

2. Các tác động có thể tránh của Biến đổi khí hậu đối với sự phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo và giảm bất bình đẳng sẽ lớn hơn nếu sự nóng lên toàn cầu được giới hạn ở mức 1,50C thay vì 20C, nếu giảm thiểu và phối hợp thích ứng được tối đa hóa còn những đánh đổi được giảm thiểu hóa. (độ tin cậy cao).

3. Các tùy chọn thích ứng cụ thể với bối cảnh quốc gia, nếu chọn lựa cẩn trọng kết hợp với điều kiện thuận lợi, sẽ mang lại lợi ích cho phát triển bền vững và giảm nghèo khi trái đất nóng lên 1,5°C, mặc dù có thể phải đánh đổi (độ tin cậy cao).

4. Các phương án giảm nhẹ phù hợp với mức 1,5 °C liên quan tới các hiệp lực và sự cân bằng giữa các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Dù tổng hiệp lực lớn hơn những đánh đổi cần thiết, hiệu ứng ròng phụ thuộc vào tốc độ và cường độ thay đổi, thành phần của danh mục giảm thiểu và quản lý quá trình chuyển đổi (độ tin cậy cao).

5. Hạn chế rủi ro từ sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C trong bối cảnh phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo nhằm chuyển đổi hệ thống có thể được kích hoạt bằng cách tăng đầu tư vào các biện pháp thích ứng và giảm thiểu, công cụ chính sách, thúc đẩy đổi mới công nghệ và thay đổi hành vi (độ tin cậy cao).

6. Hỗ trợ phát triển bền vững, và thường tạo điều kiện cho các chuyển đổi xã hội và hệ thống cơ bản giúp hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C. Những thay đổi này tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo đuổi lộ trình phát triển bền vững để đạt được mức giảm thiểu và thích ứng cùng với xóa đói giảm nghèo và nỗ lực giảm bất bình đẳng đầy tham vọng (độ tin cậy cao).

7. Việc tăng cường năng lực cho hành động khí hậu của chính quyền cấp quốc gia và địa phương, xã hội dân sự, khu vực tư nhân, người bản địa và cộng đồng địa phương có thể hỗ trợ thực hiện các hành động đầy tham vọng về hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C (độ tin cậy cao). Hợp tác quốc tế có thể tạo một môi trường thuận lợi để đạt được điều này ở tất cả các nước và cho tất cả mọi người, trong bối cảnh phát triển bền vững. Hợp tác quốc tế là một yếu tố tạo điều kiện then chốt cho các nước đang phát triển và các khu vực dễ bị tổn thương (độ tin cậy cao).

Bản dịch trích Bản Tóm tắt dành cho các nhà hoạch định chính sách này đã được phê duyệt chính thức tại phiên họp thứ nhất của các Nhóm công tác I, II và III của IPCC và được chấp nhận trong phiên họp thứ 48 của IPCC, ở Incheon, Hàn Quốc, ngày 6/10/2018.

Bản tóm tắt cho các nhà hoạch định chính sách của Báo cáo đặc biệt về sự nóng lên toàn cầu 1.5ºC (SR15) có tại http://www.ipcc.ch/report/sr15/ hoặc www.ipcc.ch.

 

Bà Caitlin Wiesen - Giám đốc Quốc gia UNDP tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Việt Nam luôn chủ động, tích cực thực hiện các cam kết quốc tế và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu

Là một một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, đồng thời cũng là quốc gia có trách nhiệm và chủ động thực hiện các cam kết quốc tế, Việt Nam đã xây dựng và triển khai đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp như: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, các Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng… Việt Nam đã trình Dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDC) vào tháng 9 năm 2015; đã ký và phê duyệt Thoả thuận Paris lần lượt vào tháng 4 và tháng 10 năm 2016; đã sớm ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trong đó trọng tâm là thực hiện NDC với 68 nhóm nhiệm vụ để các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai thực hiện.

“Kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris, trọng tâm là thực hiện NDC, hiện đã được Việt Nam triển khai rộng khắp ở tất cả các Bộ, ngành, điạ phương trong cả nước, trong đó có việc xây dựng và triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH; nhiều công trình, dự án đã được triển khai từ nguồn lực của Chính phủ và sự hỗ trợ của nhiều đối tác phát triển. Những nỗ lực này đã và đang mang lại những kết quả quan trọng. Có thể nói, đây là những nỗ lực to lớn của Việt Nam trong điều kiện một đất nước đang phát triển, vừa mới gia nhập nhóm nước có thu nhập ở mức trung bình thấp.” – Thứ trưởng Lê Công Thành chia sẻ, cung cấp thêm thông tin cho các đại biểu, trong đó đã dành được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu, đại diện các đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị

Đại diện các đối tác quốc tế, bà Caitlin Wiesen - Giám đốc Quốc gia UNDP tại Việt Nam cho biết, UNDP tự hào có quan hệ đối tác mạnh mẽ với Chính phủ Việt Nam nhằm xây dựng khả năng chống chịu cho các cộng đồng có nguy cơ cao nhất, đặc biệt là nhóm người nghèo, dân tộc thiểu số và các vùng bị ảnh hưởng như vùng ven biển và đồng bằng sông Cửu Long.

“Xây dựng trên nền tảng vững chắc có được thông qua công cuộc đổi mới kinh tế, Việt Nam chắc chắn có thể đạt được những kết quả tích cực trên con đường phát triển carbon thấp và chống chịu khí hậu, hưởng lợi từ sự tương tác giữa đổi mới công nghệ nhanh chóng, đầu tư cơ sở hạ tầng bền vững và tăng năng suất tài nguyên” - Bà Caitlin Wiesen nói.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, thành viên Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu, Hội đồng tư vấn của Uỷ ban quốc gia về BĐKH, đại diện các đối tác phát triển trao đổi, góp ý, thảo luận về những nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam để làm tốt hơn nữa công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đất nước trong thời gian tới.

Cùng ngày hôm nay 10/10, một hội thảo khoa học về chống chịu với khí hậu và phát triển carbon thấp và cuộc tọa đàm trao đổi với sinh viên về biến đổi khí hậu cũng được tổ chức tại Hà Nội.

Nguồn tin: www.monre.gov.vn

Bản tin liên quan