12 chữ vàng và 4 trọng tâm chỉ đạo điều hành KT-XH để bứt phá trong năm 2019
28/12/2018
Sáng 28/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng đã chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến. Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Chinhphu.vn

Tư duy của chúng ta không lỗi nhịp

Phát biểu khai mạc Hội nghị Chính phủ với địa phương sáng 28/12, điểm lại các con số kỷ lục về kinh tế - xã hội năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, con đường chúng ta chọn là đúng, tư duy của chúng ta không lỗi nhịp. “Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế”..

Thủ tướng nêu rõ mọi thành quả và khó khăn của năm 2018 sẽ tác động quan trọng tới tinh thần và quyết tâm của năm 2019, năm chúng ta bắt đầu tiệm cận giai đoạn chuẩn bị tích cực cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng. Với ý nghĩa đó, năm 2019 càng trở nên quan trọng về mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo Thủ tướng, mỗi một thành quả đạt được của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ tới nay là kết quả của sự lãnh đạo sâu sắc, quyết liệt của Ban chấp hành Trung ương, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, sự đồng thuận của Quốc hội, sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị cùng với nhiều nỗ lực vượt bậc của các tỉnh, thành trong cả nước. Tất cả điều đó đã tiếp thêm sức mạnh lớn lao cho Chính phủ kể từ ngày đầu nhận trọng trách trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. “Tôi muốn nhấn mạnh điều này bởi lẽ có những hoàn cảnh và thời điểm, chúng ta đã thực sự đứng trước những khó khăn rất lớn, không nằm trong mọi kịch bản hay dự đoán”, Thủ tướng nói. Tuy nhiên, chúng ta đã vượt qua một hành trình gian truân nhưng vô cùng có ý nghĩa. Nếu năm 2016, chúng ta trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ thì hôm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, nông nghiệp nước ta đã xuất khẩu hơn 40 tỷ USD.

Kể từ năm 2008 đến nay, lần đầu trong 10 năm, nền kinh tế chúng ta đã không chỉ đạt mà còn vượt mức tăng trưởng 0,38 điểm phần trăm, từ 6,7% đã lên mức 7,08% trong năm 2018. Nếu năm 2017, chúng ta xuất siêu đạt mức kỷ lục 2,1 tỷ USD thì năm 2018, chúng ta dự kiến đạt mức xuất siêu kỷ lục, lên đến trên 7 tỷ USD, gấp hơn 3 lần kỷ lục mà chúng ta đã xác lập được. Đặc biệt, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực trong nước đạt 17%, cao hơn khu vực FDI 14%. Điều càng có ý nghĩa trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung thì Việt Nam chúng ta có 2 năm “vàng son” liên tiếp về kỷ lục xuất khẩu. Trong khi Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hàng đầu châu Á thì chất lượng tăng trưởng của chúng ta cũng có sự cải thiện rõ nét, thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Và đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao kỷ lục trong 10 năm nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ đạt dưới 14% so với 17-18% của các năm trước, công nghiệp khai khoáng giảm gần 4%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng lên trên 12%. “Rõ ràng chúng ta đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng và sự thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị”, Thủ tướng khẳng định. Và điều rất đáng mừng là Nghị quyết của Trung ương về kinh tế tư nhân đang thực sự đi vào cuộc sống. Chưa có thời điểm nào trước đây chúng ta được chứng kiến sự lớn mạnh cùng với quyết tâm vươn ra biển lớn của khu vực kinh tế tư nhân như 2 năm vừa qua. Đó là chưa kể tới con số trên 130.000 doanh nghiệp mới thành lập và trên 34.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại trong năm 2018. Trước đây, chúng ta lo lắng, sợ sập đổ tài khóa quốc gia thì lần đầu tiên, đến hôm qua, chúng ta đã có vượt thu ngân sách so với dự toán khoảng 3,5 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục. Nợ xấu giảm rất sâu. Những nhiệm vụ về bảo đảm an sinh xã hội, chính sách người có công và giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường đều thực hiện tốt. Nhiều kết quả tích cực về văn hóa, xã hội, đặc biệt là những thành tích thể thao rất ấn tượng và nhiều cuộc thi quốc tế, đoàn Việt Nam luôn đạt giải cao, nhiều tiến bộ trong lĩnh vực y tế… Đặc biệt, nhiều vụ án tham nhũng lớn được thanh tra, điều tra nghiêm túc, đưa ra xét xử nghiêm minh.

“Điều mà tôi muốn nhấn mạnh chính là niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quyết tâm của tất cả chúng ta trong việc giải quyết những vấn đề lớn của đất nước, từ công cuộc chống tham nhũng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, miền núi, dân tộc… chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này”, Thủ tướng bày tỏ.

Mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội đã được Chính phủ thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả rất cụ thể. Mỗi thành quả đạt được là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Điều này thêm một lần nữa khẳng định con đường chúng ta chọn là đúng, tư duy của chúng ta không lỗi nhịp mà ngược lại đã đem lại cho chúng ta khả năng chủ động ứng phó cũng như dẫn động đến nền kinh tế Việt Nam vào những xu thế phát triển của khu vực và toàn cầu.

“Đến những vùng khó khăn, xa xôi, chúng tôi thấy được ánh mắt, nụ cười của niềm tin của người dân, của người lãnh đạo và các loại hình doanh nghiệp”.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần Hội nghị hôm nay sẽ không chỉ là sự tổng kết tình hình kinh tế - xã hội 2018 nhằm đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2019 mà chúng ta cần soi chiếu lại tất cả hành trình từ đầu nhiệm kỳ đến nay bởi lẽ những thành quả đạt được của năm 2018 chính là kết quả của những chính sách, những hành động đã được thực hiện ngay từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ, kế thừa cả những thành quả đã đạt được trước đó và tương tự những gì chưa đạt được cũng sẽ là sự phản ánh những tồn tại và yếu kém của toàn bộ quá trình đòi hỏi tất cả chúng ta phải xem xét một cách khách quan, tổng thể và có tính hệ thống.

Thủ tướng gợi ý một số nội dung chính để Hội nghị thảo luận như cần tìm giải pháp mạnh mẽ khơi thông và huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Khắc phục nhanh những chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong xây dựng cơ chế, chính sách và trong tổ chức thực hiện. “Chúng ta không thể đổ lỗi cho cơ chế, chính sách vì thể chế pháp luật đều do cán bộ, công chức làm ra, do sự hạn chế về tư duy, tầm nhìn, do cách chúng ta thực hiện và quản lý”. Những rào cản làm kinh tế tư nhân không bứt phá được, đặc biệt là kinh tế hộ khó chuyển đổi thành doanh nghiệp, những nút thắt của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ và đầu tư vào nông nghiệp. Đào tạo lao động cho năm 2019 và giai đoạn tới trong kỷ nguyên số, tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai những dự án đầu tư công cả ở Trung ương và địa phương và chúng ta cũng lưu ý đến công tác phòng chống thiên tai trong bối cảnh thế giới hiện nay.

Cần phải tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí đi liền với hoàn thiện thể chế pháp luật, có cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Phát hiện và sửa ngay những quy định, sơ hở, mâu thuẫn dễ tiêu cực, quan liêu, xa dân.

Xử lý dứt điểm tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp kéo dài. Giải quyết tốt những yếu kém và bức xúc xã hội, làm sao cả hệ thống chuyển động phục vụ sự phát triển, cơ bản giải quyết tình trạng trên nóng dưới lạnh mà nhân dân còn phàn nàn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

12 chữ “vàng” cho năm 2019

Thủ tướng đề nghị Hội nghị thảo luận để đi đến thống nhất đề ra triển khai 1 chương trình toàn diện, phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 với phương châm 12 chữ của Chính phủ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá.

Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta sẽ không đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng mà phải đạt được cả 2, nghĩa là phát triển nhanh và bền vững. Chính phủ luôn kiên trì nguyên tắc “3 trong 1” hay nói cách khác, 3 trụ cột bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường. Trong khi tiếp tục phát huy tốt nhất những động lực tăng trưởng đã có, chúng ta phải tích cực tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới, ví dụ động lực tăng trưởng đến từ tiến trình đô thị hóa, từ ứng dụng công nghệ mới và từ các loại hình du lịch đa dạng, như du lịch biển và các vùng di sản, du lịch miền núi, du lịch sông nước ĐBSCL.

Mô hình tăng trưởng của Việt Nam sẽ dựa nhiều hơn vào năng suất lao động và thúc đẩy một nền kinh tế số. Chúng ta không chỉ cải thiện các hạ tầng cứng mà sẽ đồng thời phát huy các yếu tố hạ tầng của thế kỷ 21, gắn với mô hình phát triển dựa trên dữ liệu và sức mạnh sáng tạo. Chúng ta thúc đẩy cuộc cách mạng 4.0 vì dư địa tăng năng suất lao động ở đây là rất lớn. Chúng ta không chỉ phát huy các tài nguyên sẵn có mà quan trọng hơn là tinh thần cảm ứng và khả năng tư duy đóng góp của trên 100 triệu người Việt Nam cả trong và ngoài nước.

Thủ tướng sẽ trực tiếp chỉ đạo 3 nhóm vấn đề năm 2019

Trong năm 2019, Thủ tướng cho biết, ông sẽ trực tiếp chỉ đạo việc đánh giá lại một số vấn đề. Đó là các tư duy và hình thành chính sách phát triển do Chính phủ đề xuất. Những yếu kém cố hữu của nền kinh tế khó sửa, cách thức khắc phục những dự án thua lỗ kéo dài, trong đó, phải chỉ ra cho được những giá trị kế thừa và những bài học kinh nghiệm lớn cần tiếp tục được nhận thức và chỉnh đốn một cách nghiêm túc.

Thứ hai, những khía cạnh quản trị của Chính phủ, những mục tiêu như Chính phủ điện tử, Chính phủ số, các giá trị kiến tạo phát triển, sự liêm chính… khó đi vào thực tiễn nếu chúng ta không cải cách những nguyên tắc và mô hình quản trị không còn phù hợp với thực tiễn.

Thứ ba, đánh giá lại toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực nhằm kiến tạo sức bật mới cho sự phát triển. Ví dụ, riêng ngành xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam năm nay có thể đem lại cho chúng ta kim ngạch tới gần 10 tỉ USD. Đây là lĩnh vực chúng ta nằm trong top 5 các quốc gia xuất khẩu đồ nội thất toàn cầu…

“Mặc dù những con số về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 là đáng khích lệ, song không có bất kỳ con số nào có thể đo lường và phản ánh đầy đủ mọi cố gắng của toàn bộ hệ thống chính trị trong mục tiêu đưa Việt Nam tiến nhanh trên con đường mang tên độc lập, tự cường và thịnh vượng”, Thủ tướng nêu rõ. “Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế, không những 2017, 2018 và cả những năm tới đây bởi hành trình của dân tộc ta còn rất dài, với rất nhiều thách thức phía trước và hơn thế nữa nội hàm giá trị cốt lõi và định hướng xuyên suốt của chúng ta trong mọi hành trình, chặng đường phát triển là không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau, từ thành thị tới nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi, biên giới, hải đảo”.

Ý chí của một dân tộc và quyết tâm của chúng ta trong lần kỷ niệm lần thứ 50 thực hiện Di chúc của Bác Hồ (năm 2019) càng thôi thúc chúng ta cố gắng hơn nữa trong công việc đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Hội nghị hôm nay có sự tham gia của các đồng chí Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương và 63 địa phương trong cả nước thể hiện rõ tầm quan trọng của Hội nghị lần này.

Cùng với ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư hôm nay, Chính phủ sẽ tiếp thu, hoàn thiện và ban hành Nghị quyết 01, 02 ngay sau Hội nghị để cả hệ thống hành chính, các loại hình doanh nghiệp và người dân của chúng ta sớm bắt tay vào việc với tinh thần quyết tâm triển khai thắng lợi toàn diện những mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội đề ra trong năm 2019 và cả giai đoạn 2016-2021.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trình bày tóm tắt dự thảo Nghị quyết 01 năm 2019 của Chính phủ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

4 trọng tâm chỉ đạo điều hành bứt phá năm 2019

Tại hội nghị , Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trình bày tóm tắt nội dung chính của dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán NSNN năm 2019 (Nghị quyết 01) để các bộ, ngành và địa phương đóng góp ý kiến hoàn thiện.

Phó Thủ tướng cho biết dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên tinh thần đổi mới cả về phương pháp, hình thức và nội dung với yêu cầu bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, ngắn gọn; có mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong các ngành, lĩnh vực gắn với từng nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực; giảm thiểu những nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, cơ quan, địa phương; đồng thời chú trọng công tác tổ chức triển khai, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, giám sát thực hiện quá trình soạn thảo Nghị quyết.

Theo đó, dự thảo Nghị quyết nhận định bước sang năm 2019, đất nước tiếp tục có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; chiến tranh thương mại, thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường; thách thức an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh gia tăng. Khoa học, công nghệ phát triển nhanh và cuộc ách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động mạnh mẽ trên nhiều phương diện.

Trong khi đó, nền kinh tế nước ta còn nhiều tồn tại, hạn chế tích tụ từ trước. Tiềm lực, sức cạnh tranh, năng suất lao động còn thấp; tính độc lập, tự chủ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới cùng với những áp lực ngày càng tăng từ việc thực hiện các cam kết quốc tế.

Do vậy, dự thảo Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát là: "Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chú trọng phát triển y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế".

Với phương châm hành động: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả", Chính phủ đề ra 4 trọng tâm chỉ đạo điều hành. 

Thứ nhất, nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế. Củng cố nền tảng vĩ mô, duy trì và khơi thông các động lực tăng trưởng. Quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Thứ hai, xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ; tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ. Chú trọng cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới và tăng cường hiệu quả hoạt động tư pháp.

Thứ ba, phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân; xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Cuối cùng, chủ động, tích cực tham gia chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tập trung tổng kết và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Nguồn tin: Chinhphu.vn

Bản tin liên quan