Cần nghiên cứu các mô hình phát triển, thích ứng để phát triển ĐBSCL
05/04/2019
Chiều 5/4, tại TP.Cần Thơ, làm việc với lãnh đạo các địa phương nhân dịp về dự mừng Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Nghị quyết số 120/NQ-CP là một Nghị quyết quan trọng được nghiên cứu xây dựng bài bản về quan điểm phát triển, mô hình phát triển và giải pháp cụ thể, được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao, do vậy cần phải được tất cả các bên liên quan cùng đồng hành xây dựng và phát triển vì tương của ĐBSCL, vì tương lai phát triển của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong cuộc họp chiều ngày 5/4 tại Cần Thơ

Nhấn mạnh việc ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thủ tướng cho biết sẽ tổ chức Hội nghị chuyên đề sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về vấn đề này trong tháng 5 tới. Lấy ví dụ từ Israel, Hà Lan là những nước bị ảnh hưởng của BĐKH nhưng kinh tế-xã hội vẫn phát triển, đời sống người dân được cải thiện là do họ thích ứng trong mô hình phát triển. Vì vậy, cần nghiên cứu các mô hình phát triển, thích ứng để phát triển ĐBSCL. Một câu hỏi đặt ra cho từng cấp ủy, chính quyền, người dân, doanh nghiệp là chuyển đổi mô hình sản xuất, tái cơ cấu, làm gì hiệu quả hơn trong điều kiện BĐKH. Điều rất quan trọng là cần nâng cao giá trị sản phẩm.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bí thư Thành uỷ Cần Thơ Trần Quốc Trung; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành và các địa phương Nam Bộ.

Đề xuất cơ chế, giải pháp mang tính lâu dài, phù hợp để phát triển ĐBSCL

Phát biểu khai mạc và điều hành tại cuộc làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho ĐBSCL và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, khu vực này cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như ảnh hưởng của BĐKH, nước biển dâng, sạt lở, sụt lún nền đất ven sông, ven biển, suy giảm nguồn nước, nguồn cát, nguồn lợi thuỷ sản, các quy hoạch thiếu tính đồng bộ, liên kết…

“Thực tế đó đòi hỏi có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ hơn, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững ĐBSCL”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nói.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh:Chinhphu.vn

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ mong các đại biểu xem xét thấu đáo các mô hình phát triển hiện đại, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp mang tính lâu dài, phù hợp với thực tiễn của vùng, trong đó tập trung vào các nội dung lớn. Đó là xác định rõ các thách thức mà ĐBSCL đang phải đối mặt; xác định quan điểm chuyển đổi mô hình phát triển, đặc biệt liên quan đến việc sắp xếp, quy hoạch lại không gian cho các tiểu vùng kinh tế sinh thái nước mặn, nước ngọt, nước lợ; chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lao động, kết cấu hạ tầng, định hướng đầu tư, bảo đảm sự phát triển tổng thể, kết nối nội vùng và kết nối với TP.HCM-vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là về đất đai, tài nguyên nước, thuế… tạo sự đột phá trong huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển nhân lực và thị trường, khuyến khích hỗ trợ, thu hút sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế điều phối, tổ chức thực hiện, theo dõi, giám sát, đánh giá để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ giải pháp đã đề ra.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình cũng đề nghị, để có thời gian thảo luận, nghe được nhiều ý kiến, các Bộ,ngành cần báo cáo ngắn gọn, tập trung vào các vấn đề trọng tâm, bức xúc và đề xuất các giải pháp có tính đột phá, khả thi cao cho cả nội vùng và liên kết vùng; đồng thời tin tưởng sau cuộc làm việc này, chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thiện các định hướng, giải pháp cho thời gian tới và sẽ được thảo luận kỹ hơn tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ sắp tới đây.

Phát triển liên kết vùng để đưa ĐBSCL phát triển toàn diện, đồng bộ

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ đã chứng minh tầm nhìn dài hạn về định hướng chiến lược phát triển ĐBSCL theo hướng tiếp cận tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng với tầm nhìn dài hạn; tăng cường hợp tác liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng có sự điều phối thống nhất, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, Nghị quyết120/NQ-CP đã xây dựng được quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp các quy hoạch ngành, địa phương nhằm phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, biến thách thức thành cơ hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển đồng bộ kinh tế, xã hội và môi trường.

 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, sau một năm triển khai, đến nay đã có kế hoạch bố trí vốn khoảng 18.000 tỷ đồng để triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP. Các Bộ, ngành, các địa phương trong vùng đã bước đầu đề xuất, xây dựng, triển khai các dự án ưu tiên, có quy mô vùng, có tính lan tỏa và đảm bảo tính bền vững như Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững với sự tham gia trực tiếp của 9 tỉnh vùng ĐBSCL.

“Mặc dù đã có những chuyển biết rõ rệt trong việc quy hoạch, phát triển ĐBSCL từ khi triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP, tuy nhiên vẫn còn có những bất cập trong việc phối hợp giữa các địa phương, đặc biệt là trong bối cảnh BĐKH xảy ra gay gắt, thì việc Thủ tướng Chính phủ đề nghị tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng BĐKH là rất cần thiết” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá thông tin thêm về tình hình thực hiện Nghị quyết, đồng thời nêu bật vai trò, ý nghĩa của Hội nghị sơ kết sắp tới.

Hội nghị sẽ đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết trong thời gian qua; trong đó có các đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và một số lĩnh vực ở vùng ĐBSCL; khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đã dẫn đến giảm sức mạnh tổng hợp của cả vùng; tập trung vào các cơ chế, chính sách có tính liên ngành, liên vùng về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH; rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm phát triển, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hiện đại; xây dựng cơ chế phối hợp giữa ĐBSCL với các tỉnh Đông Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, sẽ quy hoạch, tổ chức lại không gian lãnh thổ phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, dựa trên đặc trưng sinh thái đất, nước gắn liền với văn hóa, con người trong bối cảnh thích ứng với BĐKH theo các kịch bản và các tác động từ bên ngoài; đồng thời, phát triển trung tâm dữ liệu vùng ĐBSCL, hệ thống quan trắc, kết nối dữ liệu liên vùng, tiểu vùng; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ tiên tiến với tri thức bản địa, văn hoá sông nước, để phát triển bền vững, ứng xử thông minh với nước và BĐKH ở ĐBSCL; đầu tư và phát triển hạ tầng nhất là hạ tầng thủy lợi và giao thông, triển khai các giải pháp tổng thể phòng chống sạt lở, sụt lún, xâm thực biển…

Ngoài ra, cũng liên quan đến sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL, nơi đây là vùng hạ lưu sông Mê Công nên thời gian vừa qua lãnh đạo Chính phủ, Ủy hội sông Mê Công Việt Nam cũng đã làm việc với các nước thượng nguồn sông Mê Công để đưa ra những đề xuất, giải pháp với các nước thượng nguồn để hướng tới phát triển kinh tế, xã hội giữa các quốc gia thuộc Ủy hội sông Mê Công quốc tế một cách bền vững. Đồng thời phát triển, xây dựng hệ thông cơ sở dữ liệu chung để kết nối cơ sở dữ liệu với các quốc gia Lào, Campuchia, Thái Lan… để từ đó có các dự báo về khí tượng thủy văn, BĐKH một cách chính xác giúp việc điều phối vùng tốt hơn.

Toàn cảnh buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phát triển liên kết vùng để đưa ĐBSCL phát triển toàn diện, đồng bộ. Nhấn mạnh về vấn đề liên kết vùng và tiểu vùng ĐBSCL, Thủ tướng nêu rõ: “Không có nơi nào có điều kiện liên kết vùng tốt như ĐBSCL. Chúng ta phải tổ chức lại để phát huy sức mạnh của từng địa phương. Cần kết nối vùng ĐBSCL với TP.HCM theo tinh thần ĐBSCL phát triển thì TP.HCM phát triển, ngược lại, TP.HCM phát triển có đóng góp của các tỉnh ĐBSCL”.

Nguồn tin: http://www.monre.gov.vn

Bản tin liên quan