Hoàn thiện Đề án “Xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu”
08/10/2019
Sáng ngày 08/10, tại Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đã chủ trì cuộc họp hoàn thiện Đề án“Xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu”(Đề án). Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Vụ: Kế hoạch – Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Hợp tác quốc tế, Văn phòng Bộ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng của Bộ.

Thứ trưởng Trần Quý Kiên phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Báo cáo về dự thảo Đề án, ông Nguyễn Bảo Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường - đơn vị chủ trì Đề án cho biết, Đề án nhằm triển khai nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) liên ngành vùng ĐBSCL sẽ được xây dựng trên cơ sở tổng hợp CSDL vĩ mô cấp vùng của các Bộ, ngành tại Trung ương, CSDL chi tiết của các địa phương và dữ liệu các tổ chức trong nước và quốc tế. Đây là nguồn thông tin đầu vào quan trọng cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL và của từng địa phương trong Vùng; tăng cường năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế; nâng cao sinh kế, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và bảo vệ môi trường sinh thái

Theo ông Nguyễn Bảo Trung, dựa trên các nội dung, ý kiến góp ý của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các ý kiến tham vấn của các đơn vị liên quan, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên và môi trường đã tập trung rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện theo ý kiến góp ý cập nhật vào dự thảo Đề án, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Đề án được bổ sung, hoàn thiện với các nhiệm vụ chủ yếu: Hoàn thiện cơ chế chính sách và các quy định kỹ thuật; Xây dựng khung CSDL liên ngành; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu; hệ thống CSDL liên ngành vùng ĐBSCL và mối quan hệ với các hệ thống thông tin khác; gắn các Mục tiêu cụ thể của Đề án với lộ trình thực hiện, chia các giai đoạn tương ứng với mục tiêu cần đạt; vị trí của hệ thống CSDL liên ngành vùng ĐBSCL trong kiến trúc tổng thể ngành tài nguyên và môi trường; cập nhật Mô hình tổng quát, Mô hình hoạt động của Trung tâm tích hợp dữ liệu, đề xuất các nhóm, lớp dữ liệu trong CSDL liên ngành; các giải pháp thực hiện về cơ chế, chính sách; khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, nguồn lực tài chính (thực hiện, duy trì sau khi đề án kết thúc), giải pháp Xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp kết nối, liên thông, trao đổi dữ liệu giữa Hệ thống CSDL liên ngành và CSDL của các bộ, ngành, địa phương; phân tích, làm rõ hiệu quả của Đề án đối với công tác quản lý nhà nước, phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH; …

Về nội dung thông tin, dữ liệu được tổ chức theo các nhóm lớp bao gồm: Hạ tầng không gian địa lý (nền địa lý, viễn thám); Nhóm dữ liệu về tài nguyên và môi trường; Nhóm dữ liệu về kinh tế - xã hội; Nhóm dữ liệu về quy hoạch và cơ chế chính sách; Nhóm dữ liệu về thống kê báo cáo và dự báo thiên tai; Nhóm dữ liệu về BĐKH; Nhóm dữ liệu về mô hình sản xuất thích ứng BĐKH...

Với các nhóm/lớp dữ liệu này, sẽ tạo lập các kênh cung cấp thông tin dữ liệu, các dữ liệu giá trị gia tăng, các bản tin, báo cáo, các dịch vụ dữ liệu, các sản phẩm tri thức… một cách thuận tiện, nhanh chóng, chính xác đáp ứng nhu cầu khai thác của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân, người dân, doanh nghiệp.

Tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến tại cuộc họp, đại diện các đơn vị đã nêu nhiều ý kiến nhằm xây dựng khung CSDL liên ngành vùng ĐBSCL có tính hệ thống, đa lĩnh vực, có tính liên kết giữa CSDL được xây dựng quản lý, cập nhật; việc phối hợp xây dựng, triển khai và sử dụng dữ liệu của các cơ quan Trung ương, địa phương và các tổ chức quốc tế. Trong đó tập trung đề xuất Đề án cần làm rõ hơn nữa căn cứ pháp lý, mối quan hệ giữa các dữ liệu đã có trước đây khi tích hợp vào Đề án này, đồng thời sắp xếp xây dựng các nhóm dữ liệu liên ngành vùng ĐBSCL trong kiến trúc tổng thể ngành tài nguyên và môi trường…

Toàn cảnh cuộc họp

Sau khi nghe ý kiến tham gia của các đại biểu và ý kiến giải trình của Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đánh giá cao nỗ lực của đơn vị chủ trì xây dựng Đề án, đồng thời nhấn mạnh: Đề án có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển bền vững ĐBSCL theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ. Do đó, CSDL liên ngành về ĐBSCL phải được tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực để xử lý đồng bộ, tổng thể với một tầm nhìn dài hạn với sự phối hơp tham gia của tất cả các ngành kỹ thuật, kinh tế - xã hội bằng những công cụ hiện đại, mang tính kết nối cao phục vụ quản lý, điều hành để giải quyết và ứng phó kịp thời với sự tác động của BĐKH mang tính liên vùng, liên khu vực và quốc tế.

Triển khai Đề án này cũng phục vụ đắc lực cho xây dựng, triển khai, phát triển Chính phủ điện tử; cung cấp hạ tầng dữ liệu cho tỉnh; phát triển đô thị thông minh, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; tạo điều kiện việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Vì vậy, Thứ trưởng yêu cầuCục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên và môi trường  tiếp thu ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan, nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Đề án để trình lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường trong tháng 10 này.

Nguồn tin: http://www.monre.gov.vn

Bản tin liên quan