Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp báo thường kỳ
16/10/2019
Sáng ngày 14/10, Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì Họp báo thường kỳ nhằm thông tin tới các cơ quan thông tấn, báo chí về những kết quả của Bộ đã đạt được trong 9 tháng và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2019; đồng thời, giải đáp, cung cấp thông tin nhiều vấn đề được xã hội quan tâm trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu khai mạc họp báo

Kết quả công tác nổi bật của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong 9 tháng năm 2019

Phát biểu khai mạc họp báo, Thứ trưởng Lê Công Thành cảm ơn sự đồng hành của các phóng viên cơ quan thông tấn báo chí trong việc phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tuyên truyền với các dấu ấn đậm nét về nhiều chủ đề, nội dung quan trọng thuộc phạm vi quản lý. Thứ trưởng mong muốn sự phối hợp của phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí với ngành tài nguyên và môi trường ngày càng gắn kết, phát triển hơn.

Thông tin về một số kết quả công tác nổi bật của Bộ, trong 9 tháng vừa qua, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, thứ nhất, Bộ đã chỉ đạo, quán triệt các đơn vị tập trung, quyết liệt triển khai các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội; bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; quán triệt triệt phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, bám sát thực tiễn trong chỉ đạo, điều hành. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đúng hạn 24 văn bản, đề án, trong đó có 01 đề án vượt tiến độ; ban hành 16 Thông tư nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn đối với công tác quản lý tài nguyên và môi trường trước mắt và lâu dài như tăng cường công quản lý, bảo vệ môi trường, xử lý chất thải rắn, quy hoạch sử dụng tài nguyên, quản lý tài nguyên và môi trường biển, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đất đai,...

Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì họp báo

Thứ hai, Bộ đã chủ động rà soát, đánh giá thực tiễn, đề xuất giải quyết, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực tài nguyên đóng góp trực tiếp cho phát triển kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng trưởng trở lại ở mức 2,68%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm tăng trưởng; kinh doanh bất động sản tiếp tục đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Nguồn thu từ đất 9 tháng đầu năm đạt 87 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,55% thu ngân sách nội địa; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đạt đến nay đạt 9.000 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2019 là 1.117 tỷ đồng; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền là khoảng 3.467 tỷ đồng. Tiềm năng lợi thế về biển và hải đảo tiếp tục được phát huy cho phát triển, nhiều tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh,…đang trở thành cực tăng trưởng mới của đất nước.

Hoàn thành việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; triển khai kiểm kê toàn bộ quỹ đất lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019; tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác đo đạc, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận lần đầu đạt trên 97,36% tổng diện tích các loại đất cần cấp. Tập trung giải quyết giảm 18 nghìn ha đất của các dự án chậm triển khai; chỉ đạo tăng cường quản lý đất đai để lãnh mạnh thị trường bất động sản; hoàn thành rà soát 1,8 triệu ha đất của các công ty nông, lâm nghiệp, bàn giao cho địa phương quản lý sử dụng hơn 460 nghìn ha; đưa vào vận hành 165/713 cơ sở dữ liệu đất đai.

Đã rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa; điều tiết khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, thông minh nguồn nước phục vụ đa mục tiêu, giải quyết tình trạng hạn hán, giảm lũ và phát điện. Thúc đẩy lồng ghép được các ưu tiên trong chia sẻ nguồn nước, đảm bảo lợi ích của các quốc gia hạ nguồn gắn với các mục tiêu phát triển bền vững. Giám sát việc vận hành các hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ, đến nay 100% đã được kết nối, cung cấp thông tin, dữ liệu hàng ngày.

Hoàn thiện hành lang pháp lý cho quản lý chặt chẽ cát sỏi lòng sông, quản lý tài nguyên khoáng sản theo cơ chế thị trường, triển khai xác định các tiềm năng khoáng sản chiến lược. Tập trung triển khai đề án điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Tây Bắc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tiềm năng khoáng sản, giá trị về địa chất từng bước được chuyển hoá thành các nguồn lực.

Triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để phát huy các lợi thế của biển. Hoàn thành xây dựng Kế hoạch Tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; nhiệm vụ Quy hoạch không gian biển quốc gia. Phát huy tiềm năng lợi thế của các vùng biển, ven biển để phát triển mạnh các ngành kinh tế biển.

Ông Lê Quốc Hưng, Phó Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia thông tin về tình hình triển khai Chiến lược phát triển lĩnh vực viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040

Thứ ba, tập trung triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường. Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường; Nghị định 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm ưu tiên bảo vệ; Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước. Tập trung hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn để tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường, thiết lập hàng rào kỹ thuật phòng ngừa công nghệ lạc hậu chuyển dịch vào Việt Nam khi các hiệp định thương mai tự do chính thức có hiệu lực

Chỉ đạo khai nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý chất thải rắn, phát triển mô hình tái chế, đốt rác phát điện thay cho chôn lấp. Đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ của toàn xã hội trong giảm thiểu rác thải nhựa, thiết lập Liên minh chống rác thải nhựa, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam với sự tham gia của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Thực hiện các giải pháp BVMT, phòng ngừa, kiểm soát các nguy cơ ô nhiễm; thiết lập 600 trạm quan môi trường tự động tại các KCN, các cơ sở có nguy cơ cao ô nhiễm môi trường liên kết nối liên tục với 50 Sở TN&MT để kiểm soát, giám sát qua đó giảm 50% số vụ việc, sự cố về môi trường so với năm 2018. Giải quyết ô nhiễm theo các lưu vực song. Hoạt động nhập khẩu phế liệu được kiểm soát chặt chẽ, buộc đưa ra khỏi Việt Nam phế liệu không đảm bảo quy chuẩn về môi trường.

Thứ tư, nâng cao chất lượng dự báo, góp phần giảm thiệt hại về người và vật chất do thiên tai gây ra trong 05 cơn bão vừa qua đổ bộ vào nước ta. Đặc biệt, Bộ chủ trì đã tổ chức thành công Hội nghị đánh giá 02 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong hành động của các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và người dân.

Ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường cung cấp thông tin về phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ TN&MT

Thứ năm, triển khai Đề án hiện đại hóa mạng lưới độ cao quốc gia tại một số thành phố lớn và khu vực ven biển; hoàn chỉnh Hệ quy chiếu, hệ tọa độ quốc gia Việt Nam, hệ tọa độ quốc gia 3D; hoàn thiện hệ thống trạm định vị vệ tinh Cors, xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý, cung cấp dịch vụ định vị với độ chính xác cao làm cơ sở để kết nối vạn vận, phát triển nền kinh tế số và phát triển các đô thị thông minh. Thực hiện tốt việc giám sát một số vùng biển, đảo trọng điểm xa bờ bằng công nghệ viễn thám; hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu và siêu dữ liệu viễn thám quốc gia. Cập nhật thông tin, công bố sơ đồ thu nhận dữ liệu phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Thứ sáu, Bộ Tài nguyên và Môi trường là trong các Bộ ngành đi đầu ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường Phiên bản 1.0; hoàn thành triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến (tại địa chỉ https://dvctt.monre.gov.vn) và Hệ thống thông tin một cửa của Bộ (tại địa chỉ https://dvc.monre.gov.vn). Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành và đưa vào triển khai 114 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (64 Dịch vụ công vận hành chính thức, 52 dịch vụ công đã hoàn thành thử nghiệm, công bố thực hiện chính thức trong năm 2019) trong đó có 92 dịch vụ công mức độ 3, 22 dịch vụ công mức độ 4, đạt 19,3% (trong đó 12 dịch vụ công tại Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ với một số dịch vụ công kết nối liên thông đến địa phương và 07 dịch vụ công tại Hệ thống hải quan một cửa quốc gia); vượt mức kế hoạch 66 thủ tục hành chính đã đăng ký theo danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; bên cạnh đó Bộ tiếp tục đứng đầu các Bộ, ngành về việc thực hiện ký số, quản lý điều hành trên môi trường mạng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số tồn tại hạn chế như tình trạng chồng chéo trong chính sách pháp luật, suy thoái, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn đang có xu hướng tăng....

Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông tài nguyên và môi trường phát động Giải báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ V

Các nhiệm vụ triển khai trong 3 tháng cuối năm 2019

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định và đặt quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra từ đầu năm, bám sát Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, chủ động nắm bắt tình hình, phản ứng chính sách kịp thời để giải quyết các điểm nghẽn, rào cản phát sinh từ thực tiễn, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó tập trung sửa đổi Luật đất đai và Luật bảo vệ môi trường; các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các Thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng trong Chương trình xây dựng, ban hành văn bản pháp luật năm 2019. Hoàn thiện, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường để đảm bảo sự chủ động trước các nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch chuyển các công nghệ lạc hậu vào Việt Nam. Chủ động rà soát các vấn đề đặt ra từ thực tiễn để giải quyết tháo gỡ kịp thời khơi thông động lực cho phát triển kinh tế.

Hai là, tiếp tục tổ chức triển khai các nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Đẩy nhanh, hoàn thành công tác giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA năm 2019; hướng dẫn chỉ đạo giải quyết tốt hơn các vấn đề, nhiệm vụ tồn tại, khó khăn tại địa phương.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành theo yêu cầu của Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Bốn là, tập trung chỉ đạo nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong các lĩnh vực quản lý của Bộ, phát huy nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu để cùng cả nước hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2019.

Các nhà báo, phóng viên nêu các câu hỏi tại họp báo

Giải đáp, cung cấp thông tin về các vấn đề báo chí quan tâm

Tại Họp báo, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng giới thiệu và cung cấp một số nội dung thông tin có tính chuyên đề thuộc lĩnh vực viễn thám và công nghệ thông tin, cải cách hành chính. Đặc biệt, chính thức phát động Giải báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ V.

Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã giải đáp, cung cấp thông tin về các vấn đề báo chí quan tâm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành như: nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; giải pháp bảo vệ nguồn nước ngầm; nguyên nhân và giải pháp xử lý tình trạng nguồn nước ở phía Tây Hà Nội có mùi lạ từ ngày 08/10; xử lý các mỏ than vi phạm; vấn đề xử lý nước thải sinh hoạt ở các đô thị; báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án Khu sinh thái Tam Đảo 2; việc công khai các kết luận thanh tra; tình hình xử lý các container phế liệu tồn đọng tại các bến bãi; việc thu hồi, bồi thường đất cho người dân ở huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng; những quy định của pháp luật về việc cấp đất cho các cơ sở tôn giáo;...

Kết luận họp báo, Thứ trưởng Lê Công Thành cảm ơn các phóng viên, nhà báo đã đặt nhiều câu hỏi thể hiện sự quan tâm toàn diện đối với các lĩnh vực mà Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý. Những quan tâm, thắc mắc của các cơ quan thông tấn, báo chí đã được lãnh đạo các đơn vị trả lời, cung cấp thông tin cụ thể, rõ ràng. Thứ trưởng mong rằng, sự hợp tác, chia sẻ giữa các cơ quan thông tấn, báo chí với Bộ sẽ tiếp tục được củng cố, khăng khít hơn nữa nhằm mang đến cho người dân, doanh nghiệp những hiểu biết, kiến thức và thông tin mới nhất trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Toàn cảnh họp báo

Nguồn tin: http://www.monre.gov.vn

Bản tin liên quan