Đến dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Lãnh đạo các Ban Đảng, Ủy ban của Quốc hội: Đồng chí Phan Xuân Dũng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Ban Nội chính Trung ương, các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trương; các đồng chí Thứ trưởng: Nguyễn Thị Phương Hoa, Trần Quý Kiên, Võ Tuấn Nhân; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương….

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Trong năm 2019, với quyết tâm tạo đột phá, phát huy nguồn lực tài nguyên cho phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với BĐKH vì mục tiêu phát triển bền vững, toàn ngành TN&MT đã xây dựng Chương trình hành động cụ thể hoá các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể là:
Bộ đã bám sát phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, toàn ngành đã quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra; dự báo sát các xu thế, nhận diện, xử lý kịp thời các khó khăn phát sinh; đổi mới tư duy và hành động; tăng cường phối hợp giữa Trung ương và địa phương để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.
Tăng cường rà soát, đánh giá thực tiễn, trình ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách tháo gỡ các vướng mắc, rào cản góp phần để khơi thông các nguồn lực tài nguyên, thúc đẩy thu hút đầu tư cho tăng trưởng kinh tế, thắt chặt quản lý môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện, nền tảng cho giai đoạn phát triển mới.
Tập trung xây dựng hạ tầng thông tin địa lý; tích hợp, liên thông các dữ liệu tài nguyên và môi trường nền tảng phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, sẵng sàng cho ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công; công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường đã được đổi mới, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân qua thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính, truy thu 82 tỷ đồng, thu hồi 1.484 ha đất.
Nỗ lực của toàn ngành tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất trên các lĩnh vực và trong phạm vi cả nước. Nổi bật là:
Cơ cấu sử dụng đất chuyển dịch theo hướng hiệu quả; nguồn thu từ đất đạt 184 nghìn tỷ đồng, đóng góp 11% thu ngân sách nội địa. Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân (SIPAS) đối với dịch vụ công về đất đai, môi trường tăng đều qua 3 năm. Tổ chức dịch công chuyển dần sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo minh bạch, tái đầu tư cho ngành, trong đó trong 3 năm qua các Văn phòng đăng ký đất đai đã thu 3.857 tỷ đồng. (Nhiều tỉnh, thành phố không có hồ sơ chậm muộn, hoặc tỷ lệ quá hạn dưới 0,5%; tỷ lệ doanh nghiệp phán ánh phải chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục về đất đai giảm 10,7%, tỷ lệ người dân phản ánh có bôi trơn trong làm thủ tục cấp GCN giảm 29% so với năm 2016)
An ninh nguồn nước từng bước được đảm bảo; tài nguyên nước điều tiết, sử dụng hài hòa phục vụ đa mục tiêu. Tiềm năng địa chất, khoáng sản đã được phát huy hiệu quả hơn nữa, đóng góp cho tăng trưởng sau nhiều năm suy giảm.
Lợi thế, thế mạnh về biển ngày càng được phát triển, trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; các địa phương có biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, TP.Hồ Chí Minh..., đã trở thành khu vực phát triển năng động, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
Công tác quản lý, bảo vệ môi trường đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ từ trong tư duy quản lý đến hành động với nhiều giải pháp đồng bộ từ hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, sự giám sát và tham gia của người dân. Các giải pháp cho vấn đề quản lý chất thải rắn, giảm thiểu rác thải nhựa từng bước được đẩy mạnh thực hiện và nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ của các Ban, Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, sự đồng tình và tham gia chủ động, tích cực của người dân, doanh nghiệp trên cả nước như phong trào chống rác thải nhựa. Hệ thống quan trắc, giám sát từng bước được bổ sung đầu tư để kiểm soát nguy cơ cao ô nhiễm môi trường.
Chất lượng dự báo khí tượng thủy văn ngày càng được nâng cao về dự báo dài hạn và ngắn hạn để các Bộ, ngành, địa phương chủ động phương án sản xuất, kinh doanh, cũng như tổ chức phòng, tránh thiên tai hiệu quả, góp phần bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.
Các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu được đẩy mạnh triển khai như chuyển đổi quy mô lớn, tăng cường kết nối về hạ tầng phát triển kinh tế nhằm chuyển hóa các thách thức thành cơ hội phục vụ phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long và các vùng miền khác trên cả nước.
Những thành tựu toàn ngành đạt được là nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp hiệu quả của các Bộ, Ban, ngành; sự quan tâm, quyết liệt của UBND các cấp cùng với sự hưởng ứng và tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Toàn cảnh Hội nghị
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, mặc dù đã đạt được những kết quả hết sức tích cực, nhưng chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, thách thức đặt ra trong công tác quản lý TN&MT, trong đó nổi lên một số nhóm vấn đề chính sau đây:
Một là, nhu cầu khai thác, sử dụng các nguồn lực tài nguyên ngày càng tăng, đòi hỏi cần phải có các giải pháp quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả, trong khi vẫn còn một số vướng mắc, xung đột trong các Luật dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực thi. Tình trạng suy giảm, suy thoái các nguồn tài nguyên diễn ra ở nhiều nơi. Tài nguyên nước của Việt Nam về cả số lượng và chất lượng đều đang đối mặt với những đe dọa ngày càng lớn; hiệu quả sử dụng nước còn ở mức thấp (chỉ tạo ra 2,37 đôla GDP, bằng khoảng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu).
Hai là, lượng phát thải, chất thải rắn phát sinh tiếp tục gia tăng; tỉ lệ tái sử dụng, tái chế còn thấp; ô nhiễm không khí, đặc biệt ở các thành phố lớn và rác thải nhựa sẽ vẫn tiếp tục là vấn đề nóng; các vụ việc ô nhiễm môi trường vẫn có thể tiếp tục phát sinh, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống dân sinh.
Ba là, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường; tính thất thường, cực đoan của thời tiết, khí hậu sẽ còn tiếp tục gia tăng; nguy cơ hạn hán, thiếu nước ngọt được dự báo sẽ xảy ra ngay trong những tháng đầu năm ở bằng sông Cửu Long, miền Trung và các tỉnh phía bắc, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân.
Trong khi đó, bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang diễn biến rất nhanh, phức tạp; cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhiều quốc gia, đối tác lớn thay đổi, điều chỉnh chính sách sẽ tác động trực tiếp đến thu hút đầu tư, nhu cầu sử dụng tài nguyên. Các nước ngày càng chú trọng hàng rào kỹ thuật về môi trường, cùng với nền kinh tế có độ mở lớn của Việt Nam dẫn đến nguy cơ chuyển dịch công nghệ lạc hậu, kém thân thiện với môi trường vào Việt Nam.
Ở trong nước, với môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và hệ thống kết cấu hạ tầng đang được hoàn thiện sẽ thu hút đầu tư trong và ngoài nước dẫn đến sự gia tăng về nhu cầu về các nguồn tài nguyên cho phát triển kéo theo tác động đến môi trường ngày càng lớn.
Năm 2020 được Chính phủ xem là năm “về đích” hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường của giai đoạn 2016-2020, tạo nền tảng cho các mục tiêu, tầm nhìn dài hạn hơn đến năm 2030, 2045.
“Để góp phần thực hiện thành công các chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, ngành TN&MT cần tiếp tục có thêm những đột phá từ thế chế, chính sách, pháp luật, đến chiến lược, quy hoạch, tổ chức triển khai thực hiện nhằm thay đổi cách thức tăng trưởng và mô hình phát triển để phát huy một cách bền vững nguồn lực tài nguyên; chủ động chuyển hóa các nguy cơ về suy thoái, suy giảm tài nguyên, ô nhiễm môi trường, tác động của BĐKH. Đồng thời góp phần thực hiện tốt các cam kết đóng góp của Việt Nam về bảo vệ môi trường, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, ứng phó với biến đổi khí hậu trong nỗ lực chung của toàn cầu; tận dụng tốt những cơ hội từ xu thế toàn cầu về khoa học, công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của cả nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế trong bối cảnh mới“- Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Tại hội nghị ngày hôm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các đồng chí Lãnh đạo các Ban của Đảng, các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương với trí tuệ, tâm huyết tham gia đóng góp ý kiến cho ngành về chủ trương lớn, các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp, sáng kiến, cơ chế phối hợp, hợp tác để trên cơ sở đó cùng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, ngành tài nguyên và môi trường sẽ xây dựng kế hoạch hành động và tổ chức triển khai.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thêm, năm 2019, Bộ đổi mới phương pháp báo cáo bằng hình ảnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành và để giành thời gian nhiều hơn để các đại biểu thảo luận, góp ý để ngành phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Hội nghị đang diễn ra. Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục cập nhật trong các tin tiếp theo.