1. Hoàn thiện thể chế chính sách
Từ khi thực hiện chức năng quản lý nhà nước về viễn thám đến nay, lĩnh vực này đã ban hành 23 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó đã đưa các quy phạm về viễn thám vào Luật, đã trình để Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý hoạt động viễn thám, nhiều Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý, quy định kỹ thuật trong hoạt động viễn thám. Đây là các hành lang pháp lý quan trọng bảo đảm quản lý thống nhất về viễn thám, giao một đầu mối cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, phân cấp, phân quyền giữa các bộ, ngành và giữa trung ương với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong các hoạt động quả lý viễn thám.
Ảnh: Thứ trưởng Lê Công Thành kiểm tra vận hành trạm thu ảnh viễn thám
Việc ban hành Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 04/01/2019 của Chính phủ đã cụ thể hóa các nhiệm vụ quản lý nhà nước về viễn thám, trong đó phân định rõ chức năng xây dựng, quản lý cơ sở hạ tầng viễn thám, cung cấp dữ liệu viễn thám, phát triển ứng dụng viễn thám, phân cấp thẩm quyền giữa các Bộ, ngành, giữa trung ương với địa phương; thống nhất đầu mối trong quản lý nhà nước góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của ngân sách nhà nước. Trước đây việc quản lý thu nhận, xử lý, lưu trữ cung cấp chưa được quy định cụ thể bằng các quy phạm pháp luật, nhiều Bộ, ngành tham gia các hoạt động này như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Chính vì việc phân định chưa rõ ràng dẫn đến lãng phí nguồn lực đầu tư từ ngân sách cho các Bộ, ngành địa phương (cùng đầu tư cho các cơ sở hạ tầng và dữ liệu viễn thám cho các hạng mục giống nhau) và việc quản lý bị phân tán thiếu thống nhất, không có sự chia sẻ cũng như thiếu đầu mối tổng hợp đánh giá hiệu quả.
Ảnh: Thảo luận về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 (Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 01/02/2019) đã vạch ra lộ trình phát triển cụ thể cho lĩnh vực viễn thám trong đó tập trung đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về viễn thám, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, xây dựng, tích hợp và chia sẻ cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia phủ trùm toàn quốc bảo đảm phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước của nhiều ngành, lĩnh vực. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030 (Quyết định số 169/QĐ-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2021) theo đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện cơ sở pháp lý cho dữ liệu quan sát Trái đất và sử dụng dữ liệu quan sát Trái đất, đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy hình thành thị trường đối với dịch vụ quan sát Trái đất, xã hội hóa cung cấp dịch vụ xử lý dữ liệu từ vệ tinh.
Viễn thám là một hợp phần quan trọng trong phát triển công nghệ vũ trụ và hệ thống vệ tinh quan sát trái đất. Đây là một mảng quản lý mới có suất đầu tư rất lớn từ ngân sách Nhà nước với các dự án phóng vệ tinh VNREDSat-1, LOTUSat-1, NanoDragon và tới đây là vệ tinh VNREDSat-2. Các hệ thống vệ tinh này bước đầu tạo vị thế cho Việt Nam trong sử dụng không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình. Quản lý viễn thám cùng với quản lý không gian vũ trụ là một trong lĩnh vực quản lý nhà nước mới từng bước được hình thành, thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ cao trong các ngành kinh tế xã hội.
2. Quản lý cơ sở hạ tầng viễn thám và xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai quản lý, vận hành hệ thống thu nhận ảnh vệ tinh VNREDSat-1 (Việt Nam), vệ tinh SPOT 5-6-7 (Pháp), WIN-VSAT (Nhật Bản), ResourceSat-2, OceanSat-2 (Ấn Độ), COSMO-SkyMed (Italia). Ngoài ra Bộ đang thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các hạ tầng điều khiển và thu nhận tín hiệu vệ tinh với các Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và một số Bộ, ngành có cơ sở hạ tầng thu nhận tín hiệu vệ tinh. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hạ tầng viễn thám, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương quản lý, theo dõi, giám sát, kiểm tra hoạt động của 19 trạm thu và điều khiển vệ tinh quan sát trái đất trong cả nước.
Các trạm thu và hạ tầng thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám nêu trên đã cung cấp đầu vào cho hệ thống dữ liệu viễn thám quốc gia. Đến nay đã có trên 11.000 file dữ liệu ảnh và bình đồ ảnh viễn thám của 12 loại đầu thu và 6 loại tỷ lệ được rà soát, chuẩn hóa và chuẩn bị đưa vào cơ sở. Các thông tin về vị trí, phạm vi phủ trùm dữ liệu, loại ảnh, ngày tháng chụp ảnh và các thông tin kỹ thuật của ảnh đã được tổ chức thành cơ sở dữ liệu thống nhất. Hiện nay, Cục Viễn thám quốc gia đang xây dựng hệ thống dữ liệu viễn thám phủ trùm cả nước với tần suất 6 tháng một lần giúp cho công tác quản lý được cập nhật nhanh chóng, kịp thời. Cùng với việc xây dựng các phần mềm tìm kiếm thông tin và cổng thông tin điện tử, hiện nay tất cả các thông tin về dữ liệu ảnh viễn thám trong cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia đã có thể tra cứu trực tuyến trên cổng thông tin điện tử http://csdlvtqg.gov.vn. Triển khai thực hiện dự án xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia bảo đảm đồng bộ và thống nhất với cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường, tạo cơ sở cho việc công bố siêu dữ liệu viễn thám quốc gia, tạo thuận lợi cho việc khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu và đẩy mạnh ứng dụng viễn thám phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội và cung cấp dịch vụ công về viễn thám.
Ảnh: Trạng thu ảnh viễn thám do Cục Viễn thám quốc gia vận hành
3. Phát triển công nghệ và thúc đẩy ứng dụng viễn thám
Khi xuất hiện vai trò quản lý nhà nước về viễn thám đã thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng viễn thám, trước hết là trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến nay hầu hết các lĩnh vực tài nguyên môi trường đã đưa ứng dụng viễn thám phục vụ công tác quản lý nhà nước đem hiệu quả, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước. Thông qua các nhiệm vụ điều tra cơ bản, giám sát tài nguyên môi trường lĩnh vực viễn thám đã chủ trì thực hiện các nhiệm vụ như: các dự án điều tra cơ bản về tài nguyên môi trường Biển, giám sát các vùng biển đảo xa bờ bằng công nghệ viễn thám; giám sát sạt lở bờ sông bờ biển, xâm nhập mặn, đánh giá tác động biến đổi khí hậu khu vực đồng bằng sông Cửu Long; giám sát ô nhiễm môi trường khu công nghiệp, môi trường nước mặt, điều tra, đánh giá và quản lý tài nguyên khoáng sản…Triển khai thực hiện dự án xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia bảo đảm đồng bộ và thống nhất với cơ sử dữ liệu tài nguyên môi trường, tạo cơ sở cho việc công bố siêu dữ liệu viễn thám quốc gia, tạo thuận lợi cho việc khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu và đẩy mạnh ứng dụng viễn thám phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội. Hoàn thiện quy trình giám sát, giám sát nhanh bằng viễn thám và xây dựng kế hoạch định kỳ báo cáo Bộ kết quả giám sát các khu vực nhạy cảm, thực hiện việc giám sát các biến động khu vực biên giới quốc gia, các đảo xa bờ, các khu vực ô nhiễm, biến động nguồn nước. Việc giám sát nhanh bằng viễn thám đã cung cấp các số liệu chính xác, độ phủ trùm lớn, đa thời gian, cùng lúc nhiều đối tượng giúp cho công tác chỉ đạo điều hành của các cấp lãnh đạo được chính xác, kịp thời, đồng bộ.
Viễn thám là một trong những lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao được nhà nước công nhận tại Mục 17 của “Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển” tại Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, việc ứng dụng công nghệ cao được thể hiện ở các giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực thể hiện ở các Luật, Nghị định chuyên ngành.
Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 được phê duyệt, bao gồm 9 nhóm nhiệm vụ cho các Bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám. Bộ Quốc Phòng và Bộ Công an đang xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ đề án “Ứng dụng viễn thám phục vụ công tác quốc phòng” và “Ứng dụng viễn thám phục vụ công tác đảm bảo an ninh quốc gia Việt Nam”.
Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ phát triển hạ tầng và xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia, ứng dụng viễn thám trong giám sát tài nguyên bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu (đề án “Giám sát tài nguyên và môi trường bằng công nghệ viễn thám”), ngoài ra Bộ Tài nguyên và Môi trường còn được giao xây dựng “Ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”, Đề án đã nhận được đặt hàng ứng dụng viễn thám của 05 Bộ và các địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ trong năn 2021; Các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, phát triển hạ tầng cơ sở dữ liệu viễn thám đặc thù cho ngành, lĩnh vực và địa phương phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội.
Hoạt động quản lý nhà nước về viễn thám góp phần kết nối, chia sẻ thông tin giữa các lĩnh vực trong công tác quản lý nhà nước như tài nguyên và môi trường với khoa học và công nghệ, nông nghiệp nông thôn, quốc phòng, an ninh, giao thông, xây dựng và các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Trong thời gian từ năm 2005 đến nay lĩnh vực viễn thám đã có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế từng bước khẳng định vị thế của Việt Nam trong hoạt động hợp tác về viễn thám trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là các hoạt động gắn với hoạt động trong lĩnh vực viễn thám, hàng không vũ trụ với cơ quan hàng không vũ trụ Châu Âu, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản.