Xu hướng phát triển viễn thám trên thế giới trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới, các sản phẩm giá trị gia tăng từ tư liệu viễn thám ngày càng đa dạng với nhiều loại thông tin, dữ liệu có độ phân giải cao và thời gian truyền dữ liệu đạt thời gian cận thực; cho phép ứng dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực mà các phương pháp viễn thám truyền thống trước đây còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế về độ chính xác thông tin thu nhận, tần suất và trên diện rộng như các vùng sâu, xa, vùng ngoài biên giới, khu vực đặc biệt nguy hiểm, khu vực thiên tai, các tai biến địa chất, giám sát biển, giám sát vi phạm môi trường, các vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Viễn thám là lĩnh vực phát triển song hành cùng sự phát triển của công nghệ vũ trụ từ thập niên 70 của thế kỷ trước, ngày 14/06/2006 tại Quyết định số 137/2006/QĐ/TTg về việc phê duyệt “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” (Chiến lược 137/2006/QĐ/TTg) đã định hướng ứng dụng công nghệ viễn thám trong đa ngành, đa lĩnh vực.
Trong những năm qua, Nhà nước luôn quan tâm và ưu tiên phát triển viễn thám, được cụ thể hoá thông qua chính sách pháp luật phục vụ quản lý nhà nước về viễn thám (Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2019); định hướng phát triển viễn thám quốc gia (Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”); mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về viễn thám; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng viễn thám (vệ tinh viễn thám, trạm thu mặt đất, hệ thống xử lý viễn thám, cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia,…).
Tiếp theo Chiến lược 137/2006/QĐ/TTg, Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030 tại Quyết định số 169/QĐ-TTg ngày 04/02/2021 định hướng chính “Ứng dụng rộng rãi thành tựu của khoa học và công nghệ vũ trụ; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm một số lĩnh vực có liên quan đến quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên và môi trường, giám sát và hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, cung cấp đa dạng dịch vụ cho người dân; nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước, góp phần bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội và bảo đảm các lợi ích quốc gia khác”.
Sự phát triển lĩnh vực viễn thám không chỉ tập trung vào các ứng dụng theo dõi, giám sát bề mặt trái đất mà bao hàm các nghiên cứu, triển khai về vệ tinh, trạm thu, nghiên cứu khoa học, được thể hiện trong các nội dung định hướng và thực thi quản lý nhà nước như sau:
1. Định hướng phát triển lĩnh vực viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040
Ngày 01 tháng 02 năm 2019, tại Quyết định số 149/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”. Chiến lược này là cơ sở pháp lý cần thiết cho công tác quản lý và định hướng việc ứng dụng công nghệ viễn thám tại Việt Nam, kèm theo đó là Danh mục các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ chuyên môn cần thiết để thực hiện (09 Đề án giao các bộ, ngành chủ trì). Chiến lược bao gồm:
1.1. Mục tiêu
(1) Giai đoạn từ nay đến năm 2030
a) Làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh viễn thám, hệ thống trạm thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, hệ thống chụp ảnh bề mặt Trái Đất từ các thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu;
b) Xây dựng hệ thống trạm thu, hệ thống xử lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh;
c) Ứng dụng rộng rãi công nghệ viễn thám, sử dụng sản phẩm, dữ liệu viễn thám trong các ngành, lĩnh vực, trọng tâm là điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về viễn thám;
d) Đào tạo được nguồn nhân lực viễn thám có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được nhu cầu quản lý, ứng dụng và phát triển công nghệ viễn thám.
(2) Tầm nhìn đến năm 2040
Chủ động công nghệ chế tạo và hoàn thành việc xây dựng chùm vệ tinh viễn thám, hệ thống trạm thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, hệ thống chụp ảnh bề mặt Trái Đất từ các thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu đồng bộ, hiện đại, cung cấp đầy đủ dữ liệu viễn thám đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh; đưa trình độ ứng dụng công nghệ viễn thám của Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực, các nước đang phát triển trên thế giới.
1.2. Nhiệm vụ và giải pháp
(1) Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về viễn thám. Đến năm 2020, hoàn thiện danh mục dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực viễn thám và cơ chế thu nhận, chia sẻ thông tin, dữ liệu viễn thám.
(2) Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về viễn thám, trong đó tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý nhà nước về viễn thám.
(3) Xây dựng và phát triển hệ thống thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám, bao gồm: chế tạo vệ tinh viễn thám quang học độ phân giải siêu cao, radar độ phân giải siêu cao, siêu phổ và chùm vệ tinh viễn thám nhỏ; tăng cường đầu tư phần cứng, phần mềm viễn thám phục vụ cập nhật, chia sẻ, khai thác dữ liệu viễn thám; xây dựng và hoàn thiện mạng lưới trạm thu dữ liệu viễn thám (trạm cố định, trạm di động, trạm ảo và trạm thu dữ liệu viễn thám khí tượng), trạm điều khiển; hệ thống lưu trữ, xử lý dữ liệu viễn thám và mạng lưới truyền dẫn dữ liệu viễn thám để cung cấp dữ liệu viễn thám cho các bộ, ngành, địa phương; phát triển thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu để cung cấp dữ liệu viễn thám phục vụ nhu cầu giám sát tài nguyên môi trường và dự báo khí tượng thủy văn; đẩy mạnh xã hội hóa việc ứng dụng công nghệ viễn thám.
(4) Xây dựng cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia, bao gồm: Xây dựng, cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia, trong đó dữ liệu ảnh viễn thám có độ phân giải cao được cập nhật hàng năm, dữ liệu ảnh viễn thám có độ phân giải siêu cao được cập nhật 05 năm một lần phủ trùm lãnh thổ Việt Nam và hàng năm cho khu vực đô thị; tích hợp dữ liệu viễn thám được thu nhận tại các trạm thu và các nguồn khác vào cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia; mua dữ liệu viễn thám của nước ngoài trong trường hợp cần thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
(5) Đẩy mạnh sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám: Cung cấp thông tin, dữ liệu viễn thám, định kỳ công bố siêu dữ liệu viễn thám quốc gia; tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám giữa các cơ quan quản lý dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng; thúc đẩy sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám trong các ngành, lĩnh vực.
(6) Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế: Tổ chức thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học về viễn thám trong đó tập trung nghiên cứu đổi mới, chuyển giao công nghệ theo hướng hiện đại; nghiên cứu thiết kế và làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh viễn thám vừa và nhỏ, thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu, thiết bị cảm biến viễn thám, trạm thu dữ liệu và trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, mạng lưới truyền dẫn, phần cứng, phần mềm xử lý dữ liệu viễn thám; khuyến khích, huy động chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ viễn thám, nhất là trong quan trắc, giám sát bằng công nghệ viễn thám; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc xây dựng và khai thác hạ tầng thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám, chia sẻ dữ liệu viễn thám, khuyến khích, thúc đẩy phát triển ứng dụng và chuyển giao công nghệ với các nước trong khu vực và trên thế giới.
2. Các nhiệm vụ triển khai theo định hướng phát triển lĩnh vực viễn thám quốc gia
2.1. Nhiệm vụ chuyên môn
Tại Chiến lược 149/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Danh mục các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ chuyên môn cần thiết để thực hiện Chiến lược, bao gồm 09 Đề án. Theo tiến độ quy định, Bộ Quốc Phòng và Bộ Công an đang xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ đề án số 03 “Ứng dụng viễn thám phục vụ công tác quốc phòng” và số 04 “Ứng dụng viễn thám phục vụ công tác đảm bảo an ninh quốc gia Việt Nam”. Trong đó, Đề án số 03 đã xây dựng xong dự thảo, qua 02 lần thống nhất ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021. Đề án số 07 “Nghiên cứu, phát triển vệ tinh viễn thám”, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ thực hiện trong quá trình thực hiện Chiến luwocj 169/QĐ-TTg. cần trình Thủ tướng Chính phủ năm 2021.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ các đề án: số 01 “Giám sát tài nguyên và môi trường bằng công nghệ viễn thám”, số 02 “Tăng cường năng lực quản lý viễn thám”, số 08 “Xây dựng cơ chế, chính sách về viễn thám (trong đó hoàn thiện danh mục dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực viễn thám, cơ chế thu nhận, chia sẻ thông tin, dữ liệu viễn thám)”, số 05 “Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng - an ninh”, các đề án náy đã được phê duyệt hoặc trong quá trình chỉnh sửa, bổ sung phục vụ phê duyệt theo chỉ đạo của Thủ tướng. Đề án số 09 “Phát triển hạ tầng thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám (trong đó có kế hoạch phát triển trạm thu)” dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ năm 2025.
a) Đề án Giám sát tài nguyên và môi trường bằng công nghệ viễn thám:
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Công văn số 4355/VPCP-KGVX ngày 02 tháng 6 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ, ngày 07 tháng 08 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ký Quyết định số 1740//QĐ-BTNMT Phê duyệt Đề án “Giám sát tài nguyên và môi trường bằng công nghệ viễn thám”, với 09 nội dung, nhiệm vụ chủ yếu, tập trung ứng dụng viễn thám trong 09 lĩnh vực thuộc ngành tài nguyên và môi trường. Đến thời điểm hiện tại, một số nhiệm vụ được triển khai độc lập, một số nhiệm vụ được lồng ghép trong các chương trình, đề án, nhiệm vụ chuyên môn của các lĩnh vực thuộc Bộ.
b) Đề án Ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội:
Nhiệm vụ thực hiện theo Chương trình hành động của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đến nay, trên cơ sở đặt hàng và đóng góp ý kiến của các bộ, ngành và địa phương, Đề án đã xây dựng xong Dự thảo, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thắng 12 năm 2021. Đề án tập trung ứng dụng viễn thám theo dõi, giám sát các đối tương trên bề mặt trái đất với các chỉ tiêu về nông nghiệp và phát triển nông thôn, công tác quy hoạch đô thị, giao thông vận tải và công thương, trên cơ sở xây dựng, cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia, nền tảng số về viễn thám, chia sẻ, dùng chung phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
2.2. Nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực viễn thám
Theo nhu cầu thực tiễn phục vụ phát triển ngành, lĩnh vực nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung luôn được chú trọng và triển khai trong những năm qua. Thực hiện Quyết định 149/QĐ-TTg, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 26 tháng 10 năm 2020, ngày 27 tháng 11 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký Công văn số 6725/BTNMT-VTQG và Phiếu đề xuất đặt hàng Nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia về viễn thám gửi Bộ Khoa học và Công nghệ. Ngày 10 tháng 9 năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức cuộc họp thông báo về việc hợp nhất 02 Chương trình viễn thám và Chương trình công nghệ vũ trụ giai đoạn 2021-2025 để xây dựng Chương trình mới bao hàm cả nội dung của công nghệ viễn thám và công nghệ vũ trụ.
Trong đó, các nội dung vầ khoa học công nghệ viễn thám chủ yếu được dự kiến thực hiện trong Chiến lược chung như sau:
2.2.1. Giai đoạn 2021-2025
a) Nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng và phát triển công nghệ
- Nghiên cứu, phát triển các phương pháp, thuật toán hiện đại, các phần mềm phân tích, xử lý dữ liệu vệ tinh hiệu năng cao trên nền tảng vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo (AI), học máy, dữ liệu lớn (bigdata), điện toán đám mây, an toàn thông tin trong lưu trữ, xử lý, phân tích, khai thác, ứng dụng thông tin, dữ liệu viễn thám;
- Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách; hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công nghệ vũ trụ, viễn thám.
b) Phát triển công nghệ vệ tinh, công nghệ trạm mặt đất và các công nghệ liên quan khác
- Nghiên cứu phát triển hệ thống định vị vệ tinh của Việt Nam; phát triển năng lực định vị dẫn đường quốc gia;
- Từng bước làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, lắp ráp và thử nghiệm các trạm mặt đất điều khiển, thu-phát dữ liệu vệ tinh (bao gồm trạm cố định và di động), tự chế tạo các trạm mặt đất có giá cạnh tranh. Từng bước phối hợp các trạm mặt đất để có thể vận hành hệ thống chùm vệ tinh; phát triển mạng lưới trạm thu nhận, truyền dẫn và xử lý dữ liệu viễn thám.
- Tham gia chế tạo các vệ tinh và chùm vệ tinh của khu vực và thế giới, hỗ trợ khai thác sử dụng dữ liệu từ chùm vệ tinh.
- Nghiên cứu xây dựng, thiết kế, chế tạo hệ thống chụp ảnh bề mặt Trái đất; hệ thống truyền hình ảnh thời gian thực lắp đặt trên máy bay, thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu; xây dựng hệ thống tích hợp lắp ráp, thiết bị cung cấp thông tin viễn thám.
c) Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ viễn thám
- Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật tích hợp, cập nhật, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu không gian quy mô quốc gia và khu vực, bao gồm dữ liệu viễn thám đa nguồn, dữ liệu đo đạc từ vệ tinh, từ các phương tiện bay khác, làm nền tảng xây dựng các hệ thống xử lý dữ liệu lớn gần thời gian thực phục vụ các nghiên cứu, tác nghiệp trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám trong điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; khí quyển; hỗ trợ cảnh báo, giám sát thiên tai; ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí; quản lý và bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ kinh tế-xã hội;
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý, quy hoạch lãnh thổ, lãnh hải, đô thị và cấp vùng, giao thông, năng lượng; khảo cổ; di tích, di sản; phục vụ sức khỏe cộng đồng; phát triển, quản lý cơ sở hạ tầng, dịch vụ và sản xuất công nghiệp, nông lâm ngư nghiệp.
2.2.2. Định hướng đến 2030
a) Nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng và phát triển công nghệ
- Tiếp tục nghiên cứu, phát triển các phương pháp, thuật toán hiện đại, các phần mềm phân tích, xử lý dữ liệu vệ tinh hiệu năng cao; phát triển các giải pháp, hệ thống tích hợp dữ liệu viễn thám đa nguồn và các thông tin bổ trợ khác trên cơ sở mô hình hóa, tự động hóa phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
- Tiếp tục nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách; hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công nghệ vũ trụ, viễn thám.
b) Phát triển công nghệ vệ tinh, công nghệ trạm mặt đất và các công nghệ liên quan khác
- Làm chủ công nghệ chế tạo, lắp ráp trạm mặt đất điều khiển, thu-phát dữ liệu vệ tinh (bao gồm trạm cố định và di động) có khả năng thương mại hoá.
- Tiếp tục hợp tác nghiên cứu, chế tạo các vệ tinh và chùm vệ tinh của khu vực và thế giới, hỗ trợ khai thác sử dụng dữ liệu từ chùm vệ tinh.
- Chế tạo hệ thống chụp ảnh bề mặt Trái đất; hệ thống truyền hình ảnh thời gian thực lắp đặt trên máy bay, thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu; xây dựng hệ thống tích hợp lắp ráp, thiết bị cung cấp thông tin viễn thám có khả năng thương mại hoá.
c) Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ viễn thám
- Tiếp tục nghiên cứu, khai thác và phát triển các giải pháp và các phần mềm chuyên dụng về phân tích và xử lý thông tin vệ tinh bằng máy tính hiệu năng cao (bao gồm cả các loại ảnh viễn thám, video, âm thanh, tín hiệu định vị/dẫn đường) trên cơ sở ứng dụng các công nghệ hiện đại của thế giới;
- Phát triển và ứng dụng hệ thống định vị và dẫn đường độ chính xác cao, sử dụng đa hệ thống vệ tinh, phối hợp giữa vệ tinh với khí cầu tầng bình lưu, máy bay không người lái (UAV), máy bay và hệ thống quan sát mặt đất đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám trong điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường đáp ứng được nhu cầu của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
3. Nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới
Viễn thám là lĩnh vực quản lý nhà nước mới được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường bắt đầu từ nhiệm kỳ chính phủ khóa 2016-2021, đã từng bước khẳng định được vai trò vị trí trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xã hội.
Từ khi thực hiện chức năng quản lý nhà nước về viễn thám đến nay, lĩnh vực này đã ban hành 22 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó đã đưa các quy phạm về viễn thám vào Luật, đã trình để Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý hoạt động viễn thám, nhiều Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý, quy định kỹ thuật trong hoạt động viễn thám. Đây là các hành lang pháp lý quan trọng bảo đảm quản lý thống nhất về viễn thám, giao một đầu mối cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, phân cấp, phân quyền giữa các bộ, ngành và giữa trung ương với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong các hoạt động quả lý viễn thám.
Việc ban hành Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 04/01/2019 của Chính phủ đã cụ thể hóa các nhiệm vụ quản lý nhà nước về viễn thám, trong đó phân định rõ chức năng xây dựng, quản lý cơ sở hạ tầng viễn thám, cung cấp dữ liệu viễn thám, phát triển ứng dụng viễn thám, phân cấp thẩm quyền giữa các Bộ, ngành, giữa trung ương với địa phương; thống nhất đầu mối trong quản lý nhà nước góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của ngân sách nhà nước
Trong thời gian tiếm theo Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện Điểm k Tiểu mục 1 Mục 4 của Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030 tại Quyết định 169/QĐ-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2021, bao gồm thực hiện các nội dung sau:
- Nghiên cứu rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về hoạt động viễn thám, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho dữ liệu quan sát Trái đất và sử dụng dữ liệu quan sát Trái đất;
- Đầu tư hoàn thiện hạ tầng quốc gia về hệ thống thông tin địa lý phục vụ công tác quản lý, giám sát lãnh thổ, lãnh hải, các công trình trọng yếu quốc gia;
- Nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành về quan sát Trái đất, phát triển các dịch vụ xử lý dữ liệu từ vệ tinh;
- Đề xuất cơ chế thí điểm phương án thuê ngoài cung cấp dịch vụ xử lý dữ liệu từ vệ tinh cho các cơ quan, tổ chức thuộc Nhà nước;
- Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy hình thành thị trường cả ở trong và ngoài nước đối với dịch vụ quan sát Trái đất.
Như vậy, gắn liền sự phát triển của công nghệ vũ trụ, lĩnh vực viễn thám quốc gia đã và đang được Nhà nước định hướng và chú trọng đầu tư một cách tập trung./.