Nguồn dữ liệu mới phục vụ nghiên cứu hiện tượng “nước biển dâng”- Dữ liệu vệ tinh Sentinel-6 Michael Freilich
05/05/2022
Khí hậu của Trái Đất đang biến đổi, để hiểu rõ hơn ảnh hưởng của sự biến đổi này đối với hành tinh và con người, các nhà khoa học cần có một tầm nhìn xa. Trong gần 30 năm, nhiều vệ tinh đã được phóng lên vũ trụ với nhiệm vụ theo dõi một trong những dấu hiệu rõ nhất sự ấm lên của Trái Đất - hiện tượng “nước biển dâng”. Với sự kết hợp hỗ trợ giữa Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, vệ tinh Sentinel-6 Michael Freilich và một vệ tinh song sinh khác đã được phóng lên với sứ mệnh tiếp tục thu thập dữ liệu về hiện tượng nước biển dâng trong 10 năm. Vệ tinh Sentinel-6 Michael Freilich mang tên giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu Trái Đất của NASA (Trung tâm Vũ trụ Hàng không Quốc gia - Hoa Kỳ), người đã góp công lớn trong hiện thực hóa sứ mệnh của vệ tinh này.

Hai tàu vũ trụ song sinh được phóng lên cách nhau 5 năm sẽ phục vụ cho nghiên cứu về độ cao hải hương từ một quỹ đạo cách bề mặt Trái Đất 830 dặm (tương đương 1336 km). Vệ tinh Sentinel-6 Michael Freilich sẽ thực hiện nhiệm vụ trong vòng 5.5 năm, được phóng lên vào tháng 11 năm 2020. Vệ tinh song sinh Sentinel-6B sẽ được đưa lên vào năm 2025. Ngoài nhiệm vụ theo dõi và đo mực nước biển dâng toàn cầu và tuần hoàn hải dương, hai vệ tinh này sẽ ghi lại trắc diện đứng nhiệt độ và độ ẩm khí quyển. Những dữ liệu này sẽ giúp các nhà khoa học có thể dự đoán sự xâm lấn của hải dương ở bờ biển, và giúp cải thiện khả năng dự báo thời tiết và dự báo bão. Ngoài ra, chúng cũng được kì vọng để tạo bước tiến mới trong nghiên cứu về thuỷ triều và các hiện tượng thời tiết cực đoan như El Nino hay La Nina.

Description: https://lh6.googleusercontent.com/0E2xRWxYgT6drHeTGsXLiz2e9K7mhkY_Sa68mAhcHJA0YX-aKjIqP2M2vBebV442sUoLunu7-z9BQKvDSTE0lFqgmpNa64U8Ze4n2WetloYgvXgJl7ua44WkU3pmtYbUdn-sjOnzBr6jsUh77Q

Hình ảnh quỹ đạo hoạt động của vệ tinh Sentinel-6 Michael Freilich. Vệ tinh này mang theo thiết bị theo dõi tín hiệu radar phát từ quỹ đạo vệ tinh để đo các tính chất vật lý của khí quyển.

Cặp vệ tinh song sinh này sẽ có đường bay tương tự như 4 vệ tinh khác, cũng là kết quả giữa việc hợp tác của Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu trọng nghiên cứu về độ cao hải dương. Vệ tinh đầu tiên là TOPEX/Poseidon được phóng vào năm 1992. Tiếp theo là Jason-1 năm 2001, rồi OSTM/Jason-1 năm 2008, và một vệ tinh vẫn đang hoạt động là Jason-3 năm 2016. Cũng như các vệ tinh tiền nhiệm, vệ tinh Jason-3 hoạt động trên cùng một quỹ đạo và được phóng lên trước khi những vệ tinh kia dừng hoạt động. Chính điều này đã cho phép các nhà khoa học và các kỹ sư có thể hiểu chỉnh chéo dữ liệu để đảm bảo tính liên tục của các phép đo từ vệ tinh này qua vệ tinh tiếp theo.

Khi vệ tinh Sentinel-6 Michael Freilich gia nhập vào quỹ đạo, nó sẽ bay sau vệ tinh Jason-3 khoảng 30 giây. Như thế, các nhà khoa học và kỹ sư sẽ phải dành khoảng 1 năm để hiệu chỉnh chéo dữ liệu của hai vệ tinh này. Sau đó, Jason-3 sẽ được chuyển sang quỹ đạo xen kẽ bổ sung, và Sentinel-6 Michael Freilich sẽ đảm nhận vai trò chính. Vào năm 2025, các kỹ sư sẽ tiến hành tiếp công việc hiệu chỉnh chéo với Sentinel-6B khi Sentinel-6 Michael Freilich dừng hoạt động.

Sứ mệnh Sentinel-6/Jason-CS là kết quả của việc hợp tác giữa Cơ quan vũ trụ Châu Âu (ESA), Cơ quan khai thác vệ tinh khí tượng Châu Âu (EUMETSAT), Cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia Hoa Kỳ (NASA), và Cục quản lý hải dương và khí quyển quốc gia (NOAA), kèm hỗ trợ tài chính từ Uỷ ban Liên minh Châu Âu, và hỗ trợ từ Trung tâm nghiên cứu vũ trụ Pháp.

Nguồn tin: Cục Viễn thám quốc gia (Nguồn tin: Jet Propulsion Laboratory)