Hội thảo nhằm chia sẻ kết quả thực hiện dự án trong 18 tháng thực hiện kể từ tháng 5/2021, kiến nghị giải pháp, đề xuất kỹ thuật cho hệ thống NAGIS trong tương lai. Dự án do Chính phủ Pháp tài trợ thông qua Quỹ Nghiên cứu và Hỗ trợ khu vực tư nhân, được Tổng cục Thủy sản và Tập đoàn CLS triển khai tại Việt Nam.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thủy sản đóng góp 28 - 30% GDP trong cơ cấu nông nghiệp; tổng sản lượng thủy sản đạt 9,8 triệu tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 7 triệu tấn, khai thác 2,8 triệu tấn. Tuy nhiên, thách thức đặt ra cho ngành thủy sản là vừa đảm bảo sản lượng, đồng thời sản xuất bền vững chất lượng môi trường và năng lực cạnh tranh khi xuất khẩu ra các thị trường khác, do vậy việc kiểm soát hoạt động nuôi trồng thủy sản trên nhiều khía cạnh như diện tích canh tác, con giống, chất lượng nước..., đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu là nhu cầu cần thiết của ngành thủy sản.
Trên cơ sở đó, dự án NAGIS với mục tiêu thiết lập hệ thống thông tin địa lý nhằm xây dựng bản đồ quản lý quy hoạch và giám sát hoạt động nuôi trồng thủy sản tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn đầu và hướng tới quy mô toàn quốc trong tương lai hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển của ngành thủy sản nói chung và ngành nuôi trồng nói riêng của các địa phương. Đây là công cụ hỗ trợ đắc lực của cơ quan quản lý ngành thủy sản để đưa ra các chính sách cụ thể dựa trên phân tích và thông số khoa học chính xác, nhờ công nghệ tiên tiến.

Toàn cảnh Hội thảo
Theo ông Phạm Ngọc Mậu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Pháp là một trong những quốc gia đi đầu thế giới trong phát triển và ứng dụng công nghệ viễn thám. Công nghệ này thể hiện nhiều khả năng ưu việt trong cung cấp thông số môi trường về mặt nước để hỗ trợ kinh tế biển, hỗ trợ đánh bắt xa bờ và ứng phó thiên tai. Các dự án do Pháp hỗ trợ, trong đó có dự án hỗ trợ kỹ thuật như NAGIS có thể giúp Việt Nam thực hiện định hướng phát triển theo chuỗi nông lâm thủy sản bền vững.
Ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thuỷ sản (Tổng cục Thuỷ sản) cho biết: Đây là dự án nghiên cứu khả thi quan trọng hướng tới mục tiêu hỗ trợ, thiết lập nền tảng công nghệ phục vụ công tác quản lý nuôi trồng thủy sản như công tác quy hoạch phát triển, công tác lập bản đồ theo dõi, kiểm soát nuôi trồng thủy sản nhằm giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra.
Dự án nhằm mục đích thiết kế công cụ hỗ trợ quy hoạch nuôi trồng thủy sản, hướng tới xây dựng danh mục các địa điểm nuôi trồng thủy sản bằng cách sử dụng hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao, đề xuất giải pháp từ những thông tin thu thập qua phân tích không gian nâng cao nhằm thúc đẩy bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cuối cùng đưa ra các chỉ số chính về xu hướng, lỗ hổng bảo mật cho các hệ thống sản xuất được thiết lập.

Sử dụng công nghệ viễn thám quy hoạch nuôi trồng thủy sản
Dự án NAGIS được triển khai với mục tiêu tập hợp bộ dữ liệu về nuôi trồng thủy sản từ các nguồn trong nước và quốc tế, cho phép chia sẻ thông tin liên quan đến quản lý nuôi trồng thủy sản thông qua một công cụ có thể truy cập được trên tất cả các cấp độ quản lý hành chính và cho phép chuyển đổi dữ liệu đa dạng nhằm cụ thể hơn về sự phát triển của hoạt động nuôi trồng thủy sản, đặc biệt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đó, Dự án được thực hiện với 6 hợp phần chính gồm: Quản lý dự án; thống kê nhu cầu của người dùng; các thông số chức năng và cấu trúc; dự án thí điểm hệ thống GIS; thí điểm trạm đo chất lượng nước; khuyến nghị và truyền thông.
Ông Pierre Martin, Phó Tham tán Kinh tế (Cơ quan Kinh tế, Đại sứ quán Pháp) đánh giá, dự án NAGIS là một trong những dự án quan trọng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trong hợp tác giữa Tập đoàn CLS và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trong suốt 10 năm qua. Trong thời gian tới, ông Pierre Martin mong muốn tiếp tục hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin, đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ viễn thám trong nuôi trồng thủy hải sản.