Giám sát rác thải bằng công nghệ viễn thám
05/12/2022
Quản lý chất thải rắn trong đó có các bãi rác, bãi thải, khu xử lý chất thải và các khu vực nhậy cảm với môi trường như các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề, các khu du lịch bảo tồn sinh thái môi trường là nhiệm vụ cấp thiết được Chính phủ yêu cầu đối với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan phải tập trung thực hiện.

Trước đây, lượng rác thải con người thải ra là không đáng kể do mật độ dân số thấp và mức độ khai thác tài nguyên thiên nhiên thấp. Chất thải phổ biến phát sinh trong thời kỳ tiền hiện đại là tro và chất thải có thể phân hủy sinh học từ con người, và những chất thải này được thải trở lại đất, với rất ít tác động đến môi trường. Các công cụ làm bằng gỗ hoặc kim loại nhìn chung được tái sử dụng hoặc sử dụng qua nhiều thế hệ. Thời gian gần đây, sau sự khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp và sự phát triển đô thị bền vững của các trung tâm dân số lớn, sự tích tụ rác thải trong các thành phố đã gây nên sự suy giảm nhanh chóng về mức độ vệ sinh môi trường và chất lượng cuộc sống chung của người dân đô thị. Bên cạnh đó, sự phát triển của nền kinh tế với sự ra đời các khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất lớn đã hình thành nguồn rác thải công nghiệp lớn với các khu xử lý rác thải công nghiệp có quy mô từ lớn đến nhỏ.

Hiện nay, cả nước có 869 đô thị, bao gồm 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 22 đô thị loại I, 32 đô thị loại II, 48 đô thị loại III, 91 đô thị loại IV và 674 đô thị loại V.

Sự gia tăng nhanh chóng của dân số đô thị trong các năm qua ở nước ta diễn ra nhanh chóng đã và đang gây áp lực đến môi trường trong đó chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh có xu hướng gia tăng qua các năm, trong khi hệ thống hạ tầng liên quan đến thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn không theo kịp với tốc độ đô thị hóa. Bên cạnh đó, việc Việt Nam là một trong những nước sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu đang làm sâu sắc hơn các bất cập hiện tại và tạo ra thách thức mới cho quá trình đô thị hóa trong đó có vấn đề liên quan đến quản lý, xử lý CTRSH.

Các hoạt động kinh tế, nhất là công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng đang là nguồn phát sinh chất thải lớn trong đó có CTRSH. Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 500.000 doanh nghiệp công nghiệp, khoảng 283 KCN tập trung, hơn 1.700 cụm công nghiệp và 18 khu kinh tế đang hoạt động. Lĩnh vực dịch vụ, trong đó có giao thông, y tế và du lịch cũng có những đóng góp lớn vào tổng lượng thải, với tỷ lệ CTRSH cao. Chỉ tính riêng lĩnh vực y tế, hiện có khoảng 13.500 cơ sở đang hoạt động, trong đó có 1.263 bệnh viện các tuyến, trên 1.000 cơ sở Viện, Trung tâm y tế dự phòng và các cơ sở tư nhân khác.

Trước sức ép môi trường đang gia tăng, lượng CTRSH phát sinh ngày càng lớn, tính chất ngày càng phức tạp đòi hỏi phải tăng năng lực cho hoạt động quản lý, xử lý CRT nói chung và CTRSH nói riêng mới đủ sức giải quyết các vấn đề môi trường do CTRSH hiện nay đang đặt ra.

Trong Chiến lược Quốc gia về Quản lý chất thải rắn được phê duyệt gần đây, Việt Nam cam kết tiến tới thu gom, vận chuyển và xử lý 100% chất thải ngoài hộ gia đình vào năm 2025 và 85% chất thải của các hộ gia đình vào năm 2025 ở các khu vực đô thị. Dự kiến ưu tiên các cơ sở xử lý quy mô lớn sử dụng công nghệ hiện đại và tập trung đáng kể vào việc tái chế và nâng cấp các bãi chôn lấp để ngăn chặn các tác động môi trường và sức khỏe. Tuy nhiên, các thành phố, chính quyền địa phương và trung ương hiện đang phải đối mặt với những khó khăn trong thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy các dòng chất thải đang tăng nhanh. Việt Nam đã và đang phát triển rất nhanh kèm theo đó là chất thải phát sinh đã tăng rất nhanh, đến mức hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy cũng như yêu cầu tài chính cho các hệ thống này không thể theo kịp với khối lượng chất thải gia tăng.

Yêu cầu bức thiết hiện nay là tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn trong đó đặc biệt cấp thiết là quản lý số lượng, phạm vi, hiện trạng các bãi rác, khu xử lý và các khu vực nhậy cảm với môi trường như các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề, các khu du lịch bảo tồn sinh thái môi trường….

Công nghệ viễn thám có tính đa thời gian, độ phủ rộng, độ phân giải không gian tốt sẽ là công cụ hữu hiệu để giám sát các bãi rác thải trên toàn quốc. Với đặc thù của công nghệ viễn thám là có các dữ liệu lịch sử do đó thông tin các bãi rác sẽ được cung cấp từ khi hình thành, quá trình hoạt động trong quá khứ cũng như hiện tại. Ngoài ra, công nghệ viễn thám còn cho phép theo dõi diễn biến, hiện trạng bãi rác chôn lấp, bãi thải, các nhà máy, khu vực khai thác khoáng sản sau khi đóng cửa phục vụ công tác quản lý quá trình cải tạo, xử lý môi trường.

Hiện nay, dữ liệu ảnh SPOT6/7 phủ trùm toàn quốc cho phép cung cấp rất nhiều thông tin giá trị phục vụ công tác quản lý chất thải như: Vị trí bãi rác, bãi tập kết rác thải, biến động, trạng thái về diện tích của bãi rác, các bãi chôn lấp, các công trình trong bãi rác và lớp phủ các khu vực lân cận trong tầm ảnh hưởng môi trường của bãi rác; thông tin về hiện trạng của các khu vực nhậy cảm với môi trường như các khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề; giám sát thực hiện quy hoạch bãi rác, bãi chôn lấp chất thải rắn nhằm cập nhật cơ sở dữ liệu quản lý chất thải rắn của quốc gia và địa phương bằng công nghệ viễn thám tại khu vực nhậy cảm với môi trường, các khu vực dân cư, đô thị.

Dự án “Giám sát các bãi rác thải trên toàn quốc bằng công nghệ viễn thám” được đề xuất với kỳ vọng sẽ đưa ra các giải pháp hữu ích nhằm tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn ở trung ương và địa phương cũng như cập nhật, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin chất thải rắn của Tổng cục Môi trường.

Nguồn tin: Cục Viễn thám quốc gia