Bồi tụ bờ biển gây ra sa bồi luồng tàu, bến cảng, bồi lấp cửa sông, làm giảm đi khả năng thoát lũ, gây ngập úng trên diện rộng. Hơn nữa, biến đổi khí hậu làm nước biển dâng và mặt trái của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội (khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở thượng nguồn, các hoạt động phát triển kinh tế trên sông, ven biển...) đã gây ra nhiều tác động tiêu cực như mất cân bằng bùn cát, suy giảm rừng ngập mặn ven biển đang làm gia tăng tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển kể cả về cường độ và tính phức tạp.

Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở nước ta hiện nay đang có diễn biến hết sức phức tạp với cường độ ngày càng tăng. Do nhiều nguyên nhân như khai thác sử dụng tài nguyên nước ở phía thượng nguồn, khai thác sử dụng tài nguyên nhất là khai thác cát làm vấn đề sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng.
Trước thực trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã có những cố gắng phòng chống xói lở. Nhiều địa phương đã áp dụng giải pháp công trình như kè cứng vùng bờ để tránh xói lở. Đây là giải pháp có suất đầu tư cao, chưa thực sự bền vững, hiệu quả tại một số khu vực, không phù hợp với xu thế chung được nhiều nước hiện nay hướng tới là áp dụng các biện pháp “thân thiện với môi trường” và “trả lại không gian cho sông”. Việc nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp phù hợp để hạn chế sạt lở bờ sông, bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn là cần thiết và cấp bách.
Trong thời gian qua, công nghệ viễn thám đã có các thay đổi mạnh mẽ, dữ liệu viễn thám có chất lượng phổ tăng lên, nhiều loại dữ liệu viễn thám mới xuất hiện. Do vậy sự biến động đường bờ do các sự kiện đặc biệt có thể quan trắc được dựa vào số liệu viễn thám đối với chu kỳ dài và ở các thời điểm ngẫu nhiên. Nguyên lý của phương pháp được áp dụng trong các nghiên cứu này là dựa vào sự phân tách giữa phản xạ phổ của bề mặt đất và bề mặt nước ở khu vực ven bờ. Trong trường hợp vùng ven biển được bao phủ bởi thực vật, các kênh phổ đỏ và cận hồng ngoại được sử dụng để tách biệt thực vật và nước. Bên cạnh đó, sự áp dụng kênh toàn sắc hoặc tổ hợp màu giả cho phép giải đoán bằng mắt đường bờ. Ngoài ra, các phương pháp biến đổi ảnh từ tính toán dựa vào các kênh ảnh cũng được sử dụng cho mục đích chiết tách đường bờ. Sự tích hợp các phương pháp này nhằm tăng hiệu quả của việc xác định đường bờ.
Việc phân tích các thông tin về sạt lở đường bờ sông, bờ biển trong quá khứ và hiện tại cũng như các thông tin liên quan khác cho phép đánh giá được xu thế của sạt lở trong tương lai. Thông tin về sạt lở bờ sông, bờ biển trước và sau khi áp dụng các giải pháp chống xói lở đường bờ có thể đánh giá được tác động của các giải pháp đến xói lở bờ sông, bờ biển hay nói cách khác là đánh giá được tính hiệu quả của các giải pháp đã được áp dụng.

Công nghệ viễn thám với việc chụp ảnh liên tục trên vệ tinh, cung cấp chuỗi các hình ảnh trực quan, khách quan, bao quát, chi tiết về bề mặt trái đất trong thời gian dài. Như vậy với việc khai thác các thông tin từ ảnh viễn thám có thể cho thấy bức tranh tổng quát về diễn biến sạt lở
bờ sông, bờ biển từ quá khứ cho tới hiện tại. Với độ phủ trùm của ảnh viễn thám lớn nên các thông tin khai thác được từ ảnh viễn thám không chỉ là sạt lở bờ sông, bờ biển mà cả là các đối tượng liên quan như thông tin về kè, đê, đập… Đến nay, trạm thu dữ liệu ảnh viễn thám do Bộ tài nguyên và Môi trường đầu tư đã và đang thu nhận tần suất cao dữ liệu ảnh độ phân giải cao SPOT 6/7, siêu cao KomSAT 3A. Nhằm cảnh báo và ứng phó kịp thời với hiện tượng này, vấn đề dặt ra cấp bách hiện nay là cần có những công cụ trợ giúp việc đánh giá chi tiết ở quy mô nhỏ, tại các vùng có nguy cơ sạt lở cao thì việc xây dựng hệ thống đánh giá tính ổn định bờ sông trên cơ sở kết hợp thế mạnh của công nghệ viễn thám trong việc thu thập, xử lý và cung cấp nhanh chóng các dữ liệu làm tham số đầu vào cho mô hình có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Kết quả mô hình là các số liệu, bản đồ, báo cáo sẽ đánh giá chi tiết và xác định chính xác, phân loại từng khu vực với 4 cấp độ (độ ổn định cao; ổn định; kém ổn định; rất kém ổn định) sẽ là những tài liệu kỹ thuật quý giá phục vụ trực tiếp trong công tác phân vùng và lựa chọn địa điểm phù hợp cho công tác xây dựng các công trình phòng chống thiên tai, định hướng quy hoạch cơ sở hạ tầng ven bờ.
Trước đây, đã một số nhiệm vụ đã hoàn thành về giám sát xói lở, bồi tụ dải ven biển Việt Nam, tuy nhiên mới thực hiện ở tỷ lệ nhỏ. Gần đây, có 03 nhiệm vụ đã hoặc sẽ triển khai theo hướng đi trên, tuy nhiên, các khu vực triển khai tập trung theo điểm hoặc vùng độc lập. Đó là: (1) Nhiệm vụ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng của Bộ là Chủ đầu tư thuộc Tiểu dự án 3 "Xây dựng Hệ thống giám sát biến động bờ sông, bờ biển khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long bằng công nghệ viễn thám" thuộc Hợp phần I, Dự án "Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long", thực hiện từ năm 2017 đến năm 2021, tập trung các thời điểm trong quá khứ (2005, 2010, 2015, 2021), triển khai tại 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long; (2) Nhiệm vụ do Trung tâm Giám sát Tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu (Cục Viễn thám quốc gia) chủ trì “Giám sát xói lở bờ biển tại một số khu vực trọng điểm miền Trung bằng công nghệ viễn thám", thực hiện từ năm 2017 đến năm 2021, tập trung các thời điểm trong quá khú (2005, 2010, 2020), triển khai tại 18 điểm thuộc các tỉnh miền Trung; (3) Nhiệm vụ số 5.3 “Giám sát sạt lở bờ sông, bờ biển” thuộc “Danh mục nhiệm vụ, dự án chi tiết triển khai đề án” thuộc Quyết định số 1740/QĐ-BTNMT ngày 07 tháng 8 năm 2020 về việc phê duyệt Đề án “Giám sát tài nguyên và môi trường bằng công nghệ viễn thám”, thực hiện Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ này đề xuất lồng ghép vào nhiệm vụ được đề xuất thực hiện trong năm 2023 và các năm tiếp theo.