Ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong việc lập và giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
16/12/2022
Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội đã đưa ra các chỉ tiêu rất cụ thể về Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 – 2025 và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2030 của 6 loại đất chính bao gồm: Đất nông nghiệp (đất trồng lúa và đất rừng); Đất phi nông nghiệp; Đất chưa sử dụng; Đất khu kinh tế; Đất khu công nghệ cao; và Đất đô thị.

Theo dõi, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất ở cấp quốc gia phải được thực hiện một cách thường xuyên, hàng năm để đảm bảo cho các yêu cầu về quản lý đất đai. Tuy nhiên, công tác theo dõi, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất theo quy trình truyền thống thông qua báo cáo của các cơ quan chuyên môn, cấp dưới báo cáo, cấp trên tổng hợp, công tác giám sát thường mang tính định kỳ, thời gian cung cấp thông tin giám sát chậm thường dẫn đến các cơ quan quản lý ở cấp tỉnh và quốc gia rất bị động trong quá trình nắm bắt hiện trạng và số liệu về sử dụng đất hàng năm.

Để khắc phục các hạn chế đó thì, “Tăng cường ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong việc lập và giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; dự báo, cảnh báo điều tra, đánh giá, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai và hội nhập quốc tế” được nghị quyết 39//2021/QH15 đưa ra như một nhiệm vụ và giải pháp cần được thực hiện.

Với sự phát triển về công nghệ thu nhận, xử lý và cung cấp ảnh viễn thám hiện nay, Cục Viễn thám quốc gia hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu về cung cấp ảnh viễn thám phủ trùm toàn quốc ở các tỷ lệ thích hợp đáp ứng nhu cầu xử lý phân tích đưa ra các dữ liệu, số liệu, báo cáo về hiện trạng sử dụng đất hàng năm một cách khách quan và kịp thời nhất.

Các phương pháp chủ yếu gồm: Giải pháp xử lý dữ liệu ảnh viễn thám nhằm xây dựng bộ dữ liệu ảnh viễn thám tại các thời điểm quá khứ và hiện tại; Phân tích, chiết xuất thông tin dữ liệu ảnh viễn thám của từng thời kỳ nhằm cung cấp hiện trạng các bái rác thải trên toàn quốc;  Giải pháp sử dụng công nghệ GIS: chuẩn hóa dữ liệu, phân tích thông tin biến động tích hợp và cập nhật dữ liệu phục vụ quản lý hệ thống bãi rác thải trên toàn quốc; Điều tra, khảo sát thực địa; Tổng hợp, phân tích, thống kê;

Dữ liệu ảnh Spot 6,7 thu nhận được tại trạm thu ảnh Spot6,7 do Cục Viễn thám quốc gia vận hành và quản lý có độ phân giải không gian 1,5 m kênh toàn sắc và 6 m kênh đa phổ đáp ứng được các yêu cầu về giám sát các loại đất phi nông nghiệp; đất chưa sử dụng; đất khu kinh tế; đất khu công nghệ cao; và đất đô thị. Nguồn ảnh Sentinel 2 được cung cấp miễn phí bời cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu có độ phân giải không gian lên đến 10m, thời gian lặp lại trong vòng 5 ngày, được các cơ quan chuyên môn đánh giá rất cao về hiệu quả trong việc sử dụng để giám sát rừng và đất lúa.

Công nghệ xử lý ảnh viễn thám kết hợp với các ứng dụng về phân tích không gian của công nghệ GIS sẽ đưa ra được bộ dữ liệu GIS về hiện trạng sử dụng đất hàng năm hoặc tại thời điểm cụ thể của ảnh chụp. Việc xây dựng một bộ dữ liệu hiện trạng sử dụng đất hàng năm ở diện rộng, phủ trùm toàn quốc sẽ đảm bảo được tính chủ động và khách quan về dữ liệu, số liệu về việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Bộ dữ liệu này sẽ được sử dụng trực tiếp ở các cơ quan chuyên môn cấp trung ương phục vụ việc đưa ra các chính sách vĩ mô trong việc lập và giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; dự báo, cảnh báo điều tra, đánh giá, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai và hội nhập quốc tế, đồng thời cũng có thể cung cấp cho các địa phương làm các tài liệu để kiểm chứng chi tiết hơn.

Nguồn tin: Cục Viễn thám quốc gia