Cảnh báo, ứng phó có hiệu quả với các sự cố, thảm họa về môi trường bằng công nghệ viễn thám
16/12/2022
Với các ưu điểm của dữ liệu viễn thám như độ phủ trùm không gian của dữ liệu rộng, cung cấp các thông tin phục vụ giám sát sự biến đổi qua nhiều thời kỳ, cung cấp nhiều thông tin chuyên đề thông qua các thông số về đặc tính phản xạ phổ của các đối tượng lớp phủ trên mặt đất…, công nghệ viễn thám kết hợp với công nghệ GIS hiện nay được đánh giá là giải pháp công nghệ hiệu quả nhất trong việc cảnh báo, ứng phó có hiệu quả với các sự cố, thảm họa về môi trường.

Sự suy giảm môi trường biển và ven biển do các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và các hoạt động của con người trong những năm gần đây đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Đặc biệt, những sự cố về môi trường biển xảy ra trong thời gian qua như sự cố môi trường biển do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt, các sự cố tràn dầu trên biển, hiện tượng thủy triều đỏ,.. đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường hệ sinh thái biển.

Để bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, tài nguyên môi trường biển nhằm chủ động cảnh báo, ứng phó có hiệu quả với các sự cố, thảm họa về môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng nhiều chương trình, đề án thực hiện các hoạt động quan trắc, giám sát chặt chẽ từ tổng thể đến chi tiết các khu vực nhà máy, khu công nghiệp hoạt động có khả năng gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến hệ sinh thái tài nguyên môi trường biển.

Dự án “Xây dựng hệ thống giám sát đa thời gian tài nguyên - môi trường biển, hải đảo Việt Nam” thuộc dự án tổng thể “Giám sát tài nguyên - môi trường biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám” đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt theo Quyết định số 2191/QĐ-BTNMT ngày 30/11/2011 là một trong các dự án có khả năng giám sát môi trường biển trên phạm vi rộng, khả năng bao quát hầu hết vùng biển của nước ta.

Dự án đã được Cục Viễn thám quốc gia xây dựng xong và đưa vào sử dụng từ năm 2014. Hệ thống giám sát đa thời gian tài nguyên - môi trường biển và hải đảo Việt Nam do Trung tâm viễn thám quốc gia trước đây xây dựng gồm: Bộ cơ sở dữ liệu tương ứng với 15 đối tượng quản lý là những thông tin cơ bản phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường biển, hải đảo.

Hiện nay, Hệ thống giám sát đa thời gian tài nguyên - môi trường biển, hải đảo Việt Nam đang được Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam quản lý, duy trì và vận hành phục vụ các yêu cầu quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường biển, hải đảo. Một số Bộ CSDL thành phần khác của Hệ thống cũng đang được Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức cập nhật theo các hình thức khác nhau. Việc sử dụng công nghệ viễn thám để cập nhật thông tin từ dữ liệu ảnh viễn thám là phương án hiệu quả nhất, đặc biệt đối với Hệ thống giám sát đa thời gian tài nguyên môi trường biển, hải đảo Vệt Nam.

Để tiếp tục giám sát có hiệu quả dự án “Giám sát tài nguyên - môi trường biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám” theo Quyết định số 1377/QĐ-BTNMT ngày 05/6/2015. Đề án này đã xây dựng nội dung: “Giám sát thường xuyên các thông số trường nhiệt độ, hàm lượng diệp lục, hàm lượng muối bề mặt nước biển” và nội dung “Giám sát tình hình biến động các đảo đang có các hoạt động cải tạo, bồi đắp thuộc quần đảo hoàng sa, trường sa bằng công nghệ viễn thám” nhằm cung cấp các thông tin chính xác, khách quan phục vụ quản lý tài nguyên môi trường biển, hải đảo và bảo vệ chủ quyền của nước ta.

Nguồn tin: Cục Viễn thám quốc gia