Duy trì tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái là một trong những mục tiêu mà Việt Nam hướng tới từ nay đến năm 2030 được đề ra trong Quyết định số 622/QĐ-TTg về việc ban hàn kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Trong các Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Chính phủ và Quốc hội đều đặt ra các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và chỉ tiêu về môi trường. Một trong những chỉ tiêu về môi trường được đặt ra trong Nghị quyết 142/2016/QH13 là tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%.

Ngoài ra Chương trình hành động của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 18 tháng năm 2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 (Quyết định 115/QĐ-BTNMT) cũng đề ra mục tiêu cho lĩnh vực môi trường phải giảm nhẹ mức độ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học. Trước đó, Bộ Tài nguyên và môi trường cũng đã ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Tài nguyên và môi trường (Thông tư số 29/2013/TT-BTNMT) quy định chỉ tiêu về tỷ lệ diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên phải được thống kê và báo cáo hàng năm. Chỉ tiêu này phản ánh việc bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, là cơ sở để các cơ quan chức năng đưa ra các chính sách đảm bảo cho công tác quản lý các hệ sinh thái tự nhiên đạt hiệu quả cao và góp phần phát triển bền vững môi trường tự nhiên. Chế độ thống kê báo cáo cho việc đánh giá các chỉ tiêu này được tổng hợp từ các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (quản lý các số liệu về lớp phủ rừng) vì thế việc tổng hợp số liệu rất bị động, thiếu đồng bộ và tốn rất nhiều thời gian. Công nghệ viễn thám kết hợp với công nghệ GIS hiện nay được đánh giá là giải pháp công nghệ hiệu quả nhất trong việc quản lý và giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Với các ưu điểm của dữ liệu viễn thám như độ phủ trùm không gian của dữ liệu rộng, cung cấp các thông tin phục vụ giám sát sự biến đổi qua nhiều thời kỳ, cung cấp nhiều thông tin chuyên đề thông qua các thông số về đặc tính phản xạ phổ của các đối tượng trên mặt đất,.. dữ liệu viễn thám đặc biệt thích hợp cho việc giám sát sự biến đổi của lớp phủ thực vật. Dựa vào các nguồn ảnh cung cấp miễn phí trên phạm vi toàn cầu, ứng dụng công nghệ GIS và công nghệ xử lý ảnh viễn thám để dẫn xuất các thông tin về lớp phủ bề mặt một cách đồng bộ, chính xác và khách quan trên toàn lãnh thổ Việt Nam sẽ giúp cho việc tổng hợp các số liệu thống kê, xây dựng báo cáo, và trích dẫn các hình ảnh minh họa về lớp phủ rừng, diện tích và hiện trạng lớp phủ thực vật tại các khu bảo tồn thiên nhiên trở nên tiện lợi, hiệu quả và kịp thời nhất.
Ngoài ra để đáp ứng được nhu cầu tra cứu thông tin trực tuyến trên mạng Internet, các thông tin về sự biến động của lớp phủ thực vật và các khu bảo tồn thiên nhiên bao gồm số liệu thống kê, hình ảnh minh họa,.. cần phải được tổ chức được tổ chức khác với các phương pháp truyền thống như báo cáo, bản đồ, bảng biểu. Chúng cần phải được tổ chức dưới dạng một hệ thống thông tin đa thời gian có kèm ứng dụng cung cấp thông tin trực tuyến.