Giám sát, theo dõi phát thải và hấp thụ khí nhà kính bằng công nghệ viễn thám
19/12/2022
Với các ưu điểm của dữ liệu viễn thám như độ phủ trùm không gian của dữ liệu rộng, cung cấp các thông tin phục vụ giám sát sự biến đổi qua nhiều thời kỳ, cung cấp nhiều thông tin chuyên đề thông qua các thông số về đặc tính phản xạ phổ của các đối tượng lớp phủ trên mặt đất…, công nghệ viễn thám kết hợp với công nghệ GIS hiện nay được đánh giá là giải pháp công nghệ hiệu quả nhất trong việc giám sát, theo dõi phát thải và hấp thụ khí nhà kính.

Lĩnh vực LULUCF là một trong những lĩnh vực phát thải chính trong năm lĩnh vực được kiểm kê phục vụ các Thông báo quốc gia cho UNFCCC, được kỳ vọng giảm phát thải cho việc thực hiện INDC của Việt Nam, tuy nhiên trong những lần kiểm kê trước đây (cho các năm cơ sở 1994, 2000, 2005 và 2010) các số liệu hoạt động đưa vào để tính toán chủ yếu được thu thập chưa mang tính liên tục, đầy đủ và hệ thống. Hệ quả là độ tin cậy và tính chính xác của kết quả kiểm kê chưa cao. Đặc biệt là độ không chắc chắn của kết quả kiểm kê khí nhà kính (KKKNK) trong lĩnh vực LULUCF tại các lần kiểm kê trước đây còn cao. Theo khuyến cáo của UNFCCC các quốc gia cần áp dụng phương pháp và công nghệ mới để cải thiện vấn đề này nhằm đảo bảo các yêu cầu về tính minh bạch, liên tục, có thể so sánh, hoàn thiện và độ chính xác cao hơn trong các kỳ kiểm kê quốc gia khí nhà kính tới.

Theo đó đối với lĩnh vực LULUCF được khuyến cáo sử dụng công nghệ ảnh viễn thám xây dựng các bản đồ hiện trạng sử dụng đất/lớp phủ mặt đất; bản đồ địa lý theo vùng kinh tế - xã hội; bản đồ thổ nhưỡng toàn quốc để trích xuất số liệu cập nhật phục vụ cho KKKNK sử dụng phần mềm ALU - một phần mềm mới về kiểm kê khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp. LULUCF đã được một số nước sử dụng và chạy ổn định - giúp có được độ chính xác và độ tin cậy của kết quả kiểm kê cao hơn đồng thời đảm bảo tính khách quan, tính minh bạch của kiểm kê.

Việc áp dụng công nghệ bản đồ viễn thám còn giúp Việt Nam thực hiện các hoạt động giám sát, theo dõi phát thải và hấp thụ khí nhà kính (KNK) trong quá trình hoạch định sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp. Về lâu dài, các nguồn thông tin, số liệu KKKNK với độ chính xác cao còn giúp Việt Nam xác định lượng phát thải và hấp thụ của các lĩnh vực LULUCF qua thực hiện Dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDC) và giúp quản trị lượng phát thải định lượng tham gia thị trường các-bon. Việc sử dụng phần mềm ALU để kiểm kê khí nhà kính cho lĩnh vực LULUCF đòi hỏi cần phải có các bản đồ bản đồ hiện trạng sử dụng đất/lớp phủ mặt đất; bản đồ địa lý theo vùng kinh tế - xã hội; bản đồ thổ nhưỡng xây dựng dựa trên cơ sở ảnh viễn thám phạm vi toàn quốc.

Năm 2018, Cục Viễn thám quốc gia đã hoàn thành nội dung “Thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất/lớp phủ mặt đất tỷ lệ 1/250.000 bằng tư liệu ảnh vệ tinh” thuộc dự án “Kiểm kê nhà kính năm 2016 trong lĩnh vực sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) phục vụ xây dựng báo cáo quốc gia và đóng góp của Việt Nam cho công ước khí hậu”. Bản đồ này cần được cập nhật thường xuyên để phục vụ KKKNK quốc gia cho lĩnh vực LULUCF trong những năm tiếp theo. Bởi vậy, việc thực hiện nhiệm vụ “Giám sát thường xuyên lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính” là cần thiết, thiết thực nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (Công ước khí hậu) từ năm 2016 trở đi.

Nguồn tin: Cục Viễn thám quốc gia