Với các ưu điểm của dữ liệu viễn thám như độ phủ trùm không gian của dữ liệu rộng, cung cấp các thông tin phục vụ giám sát sự biến đổi qua nhiều thời kỳ, cung cấp nhiều thông tin chuyên đề thông qua các thông số về đặc tính phản xạ phổ của các đối tượng lớp phủ trên mặt đất…, công nghệ viễn thám kết hợp với công nghệ GIS hiện nay được đánh giá là giải pháp công nghệ hiệu quả nhất trong việc giám sát và giảm nhẹ thiên tai.
Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam châu Á, theo đánh giá của Cơ quan Quản lý thiên tai châu Á thuộc Tổ chức Khí tượng thế giới, Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều thiên tai nhất ở châu Á. Trong đó với đặc điểm bờ biển trải dọc theo đất nước, hàng năm Việt Nam thường chịu nhiều loại thiên tai như bão, lũ, lũ quét, mưa lớn, hạn hán, sạt lở đất, dông, tố, lốc,… Trong những năm gần đây, nhiều thiên tai đã xảy ra một cách bất thường ở quy mô lớn và gây ra nhiều khó khăn trong việc dự báo, kiểm soát và phòng tránh. Những tai họa này gây ra thiệt hại lớn về người, tài sản và sản xuất.
Cục viễn thám quốc gia đã và đang tham gia hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giám sát và giảm nhẹ thiên tai khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Cục là một đầu mối thu nhận và xử lý dữ liệu trong hệ thống và hiện tại đang vận hành trạm thu ảnh WINDS-VSAT được đồng bộ dữ liệu với máy chủ dữ liệu trung tâm tại Nhật Bản. Hệ thống có thể yêu cầu chụp ảnh từ các vệ tinh của Nhật, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam trong trường hợp có thiên tai xảy ra. Nhằm giám sát thường xuyên thiên tai đưa ra các thông tin được nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng nhu cầu cấp bách Đề án này đã đề xuất xây dựng nhiệm vụ “Vận hành hệ thống Sentinel Asia giám sát thiên tai trên lãnh thổ Việt Nam”. Nhằm cung cấp các thông tin nhanh chóng kịp thời phụ vụ công tác phòng tránh và giảm nhẹ hỗ trợ khắc phục ảnh hưởng của các loại hình thiên tai và là cơ sở xây dựng các kịch bản cứu hộ cứu nạn khi thiên tai xảy ra.