Ứng dụng công nghệ viễn thám giám sát xói lở bờ biển
19/12/2022
Với lợi thế chụp ảnh liên tục, ảnh rộng viễn thám có thể cung cấp chuỗi thông tin phục về các yếu tố liên quan đến xói lở bờ biển, cũng như diễn biến xói lở từ quá khứ đến hiện tại góp phần hạn chế thấp nhất những thiệt hại do tình trạng này gây ra.

Tốc độ xói lở ngày càng tăng

Số liệu tại Báo cáo quốc gia về "Ðánh giá xói lở bờ biển Việt Nam" của Bộ TN&MT cho thấy, hiện trạng xói lở đang diễn ra nghiêm trọng với quy mô, cường độ ngày càng tăng. Các khu vực bị xói lở nghiêm trọng nhất tập trung ở các tỉnh như: TP. Hải Phòng (ở các đoạn: Cát Hải, Bằng La), Thụy Xuân (Thái Bình), Xuân Thủy, Hải Hậu (Nam Định) Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Thuận.

Quá trình xói lở diễn ra ở hầu hết các kiểu kiến tạo: sỏi cát, bùn sét, bùn, cát… song chủ yếu vẫn là bờ cát chiếm đến 94% tổng số đoạn bị xói lở. Ðiều đáng lo ngại, hiện nay, đã có 121 đoạn bờ có công trình phòng hộ (như đê, kè, trồng cây) nhưng tình trạng xói lở vẫn diễn ra thường xuyên. Ở cấp độ địa phương, tại một số tỉnh như Thanh Hóa có 18,1 km bị xói lở, tốc độ xói lở trung bình từ 15 đến 30 m/năm, khu vực xói lở mạnh nhất là Hoằng Hóa, Hậu Lộc và Sầm Sơn; tỉnh Quảng Bình, có 50 km bị xói lở; tỉnh Quảng Trị có 34 km bị xói lở... Trong khi đó, đối với các tỉnh khu vực miền Trung, xói lở bờ biển đang diễn ra hết sức đáng lo ngại.

Ðiển hình như những tháng cuối năm 2015, vùng bờ biển Hội An biến động sạt lở nghiêm trọng, dãy cát ven biển bị nước biển xâm thực, cuốn trôi khoảng 25ha. Riêng tuyến đường ven biển Âu Cơ ở khu vực biển Cửa Đại bị sạt lở hơn 160m, hiện, chỉ cách biển khoảng 40m. Biển xâm thực mạnh khiến nhiều điểm du lịch, nghỉ dưỡng, khu dân cư bị xói lở và ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong mấy chục năm trở lại đây, cả miền Trung bị xói lở 8.840 ha. Về bồi tụ, khu vực bờ biển Trung Bộ có 186 đoạn bờ được bồi tụ có diện tích từ 2,7 - 5,5 ha đến 262 - 342 ha; tổng diện tích được bồi tụ bờ biển Trung Bộ mấy chục năm gần đây là 5.200 ha.

Trước thực trạng đó, Bộ TN&MT đã phê duyệt dự án “Giám sát xói lở bờ biển tại một số khu vực trọng điểm miền Trung bằng công nghệ viễn thám” giao Cục Viễn thám quốc gia triển khai thực hiện.

 

Triển khai tại 18 khu vực trọng điểm thuộc các tỉnh miền Trung

Ông Vũ Hữu Liêm, Giám đốc Trung tâm Giám sát Tài nguyên Môi trường và Biến đổi khí hậu (Cục Viễn thám quốc gia) cho biết, dự án được thực hiện trên phạm vi 18 khu vực trọng điểm thuộc các tỉnh miền Trung với mục tiêu xây dựng CSDL tại một số khu vực bờ biển trọng điểm đang bị xâm thực mạnh nhằm cung cấp thông tin trực quan, cập nhật nhanh chóng tình hình xói lở bờ biển bằng công nghệ viễn thám đến các cơ quan quản lý, qua đó giám sát, theo dõi lâu dài và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp phục vụ thích ứng và giảm thiểu thiệt hại do xói lở bờ biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Trong quá trình triển khai dự án, Trung tâm Giám sát tài nguyên môi trường và Biến đổi khí hậu đã chủ động xây dựng thiết kế kỹ thuật chi tiết để tổ chức thi công khoa học, hợp lý, đảm bảo tiến độ và thực tế đã hoàn thành dự án trong năm 2021 đúng như kế hoạch đã duyệt. Theo đó, Dự án đã xây dựng được CSDL giám sát xói lở bờ biển được vận hành trên nền công nghệ viễn thám và địa tin học; đề xuất được cơ chế vận hành hệ thống theo chu kỳ hàng năm, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý và kỹ thuật cũng như nguồn kinh phí nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước về xói lở bờ biển.

Cũng theo ông Liêm, với những ưu điểm vượt trội so với các phương pháp truyền thống khác, công nghệ viễn thám kết hợp GIS là công cụ duy nhất có hiệu quả trong công tác giám sát xói lở bờ biển. Với gần hàng nghìn km bờ biển ở nước ta, việc áp dụng công nghệ viễn thám và sử dụng nguồn dữ liệu ảnh từ trạm thu ảnh vệ tinh hiện có là giải pháp hữu hiệu để có được những thông tin cơ bản về quản lý bờ biển như: dân cư cơ sở hạ tầng và các công trình bảo vệ bờ biển, ... góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và chủ quyền quốc gia trên biển.

Bên cạnh đó, trước tình hình xói lở bờ biển nước ta xảy ra ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng cả về quy mô lẫn cường độ, việc triển khai nhiệm vụ của dự án này có ý nghĩa và hiệu quả xã hội hết sức to lớn, kết quả dựa án sẽ đưa ra được các thông tin chính xác về các khu vực đường bờ có các hiện tượng xói lở/bồi tụ, để từ đó đưa ra dự báo về khả năng xảy ra các hiện tượng này trong tương lai.

Thông qua sản phẩm, kết quả của dự án là các báo cáo đánh giá về nguyên nhân, cơ sở dữ liệu chi tiết về các đối tượng cần theo dõi, giám sát tại các khu vực trọng điểm ven biển cũng như các công cụ phân tích và mô hình tính toán đã giúp cho công tác quản lý về phòng chống, giảm thiểu các thiệt hại do xói lở bờ biển gây ra có được cơ sở khoa học vững chắc và số liệu cập nhật thường xuyên, kịp thời trợ giúp có hiệu quả vào việc xây dựng quy hoạch phát triển vùng ven biển một cách hợp lý nhằm thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn biến và tác động tiêu cực đến đời sống các quốc gia ven biển như nước ta hiện nay.

Nguồn tin: Cục Viễn thám quốc gia

Bản tin liên quan