Hội nghị đã diễn ra từ ngày 27/02/2023 đến ngày 01/03/2023 tại Trung tâm Hội nghị thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Đến tham dự hội nghị có Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh, các cán bộ của các Vụ, Tổng cục, Cục thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng hơn 900 đại biểu là các cán bộ làm công tác thanh tra tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Thứ trưởng thường trực Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu khai mạc Hội nghị
Ngày 27/2/2023, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa đã khai mạc Hội Nghị. Tại Hội Nghị, Thứ trưởng đã chỉ đạo cụ thể: đây là "dịp để cán bộ, đơn vị làm công tác thanh tra, kiểm tra TN&MT của Bộ và địa phương được giao lưu, học hỏi, tăng cường, thúc đẩy mối quan hệ phối hợp trong công tác".

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Theo đó, Hội nghị lần này tập trung chủ yếu vào các nội dung:
1. Trao đổi một số khó khăn, vướng mắc thường gặp trong công tác quản lý nhà nước về TN&MT qua công tác thanh tra, kiểm tra và các giải pháp để hạn chế các khó khăn, vướng mắc đó, như: lĩnh vực đất đai, khoáng sản sản, tài nguyên nước,…
2. Một số nội dung cần lưu ý khi triển khai các VBQPPL về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNMT như: Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Nghị định số 36/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản; Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ trong quá trình thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.
3. Một số nội dung cần lưu ý trong việc thực hiện các kết luận thanh tra và việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra.
4. Trao đổi kinh nghiệm giữa Bộ với các địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường; công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tranh chấp đất đai qua một số vụ việc giải quyết chưa đúng quy định pháp luật.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cũng yêu cầu Hội nghị dành thời gian trao đổi, thống nhất về nguyên tắc chung áp dụng Bộ Luật hình sự, nhận biết các dấu hiệu của tội phạm trong lĩnh vực TN&MT, do trong thời gian qua, một số cán bộ làm công tác thanh tra còn yếu về nội dung này.
Đoàn đại biểu Cục Viễn thám quốc gia tham dự hội nghị có Phó Cục trưởng Chu Hải Tùng và Trưởng phòng Quản lý hoạt động viễn thám Trần Tuấn Đạt cũng đưa ra một số đề xuất cụ thể với các địa phương bao gồm:
- Địa phương cần chủ động đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về viễn thám theo chức năng được quy định tại Nghị định 03/2019/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về hoạt động viễn thám:
+ Phát huy vai trò quản lý nhà nước trong việc thẩm định các nhiệm vụ, dự án chuyên, thực hiện chức năng thẩm định các nội dung liên quan đến viễn thám đối với các dự án, chương trình, đề án của địa phương;
+ Sở TNMT các địa phương cần yêu cầu các đơn vị thuộc tỉnh giao nộp các sản phẩm viễn thám để quản lý và đưa vào cơ sở dữ liệu, Sở cần nắm được các nhiệm vụ, dự án về viễn thám của các đơn vị trực thuộc tỉnh;
+ Trên địa bàn Các địa phương cần tổng hợp được nhu cầu về dữ liệu và ứng dụng viễn thám của các ngành, lĩnh vực khác trên địa bàn tỉnh để Cục Viễn thám quốc gia có thể xây dựng kế hoạch thu nhận, cung cấp dữ liệu viễn thám phù hợp đáp ứng tốt các yêu cầu khai thác, sử dụng định kỳ và đột xuất;
+ Sở TNMT cần tham mưu với lãnh đạo tỉnh xây dựng các nhiệm vụ giám sát tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh ví dụ đề xuất một số nhiệm vụ như kiêm kê đất nông lâm trường, giám sát kế hoạch sử dụng đất của địa phương; trong đó viễn thám đáp ứng được việc xác định được hiện trạng sử dụng đất và giám sát kế hoạch sử dụng đất, đối soát việc thực hiện quy hoạch, khai thác khoáng sản…
Sau 03 ngày làm việc hiệu quả, Hội nghị đã kết thúc vào ngày 01/3/2023.
Tài liệu tập huấn của Hội nghị tải về tại: https://tailieuhoinghi.monre.gov.vn/