Giới thiệu tóm tắt: Dự án do Trung tâm Viễn thám (Tổng cục Địa chính cũ) thực hiện từ tháng 02 năm 2000 đến tháng 06 năm 2002. Nguồn vốn của dự án bao gồm vốn viện trợ không hoàn lại của Vụ các vấn đề kinh tế- xã hội của Liên hợp quốc (UNDESA) và vốn đối ứng thuộc ngân sách của nhà nước Việt Nam.
Nội dung :

Bản đồ ngập lụt tỉ lệ 1:100 000 thu nhỏ (Huế)
Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường năng lực cho Trung tâm Viễn thám trong việc ứng dụng công nghệ viễn thám để thành lập bản đồ phục vụ công tác quản lý dải ven biển, nhằm góp phần hỗ trợ Việt Nam trong công tác quản lý và phát triển bền vững dải ven biển.

Bản đồ Đất ngập nước tỉ lệ 1:100 000 thu nhỏ (Bạc Liêu)
Nội dung của dự án là phủ ảnh vệ tinh cho 3 vùng thuộc dải ven biển đặc trưng; cung cấp phần mềm xử lý ảnh vệ tinh radar; hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cán bộ Việt Nam về viễn thám, trong đó có việc xử lý ảnh vệ tinh radar; thành lập bộ bản đồ chuyên đề phục vụ công tác quản lý tổng hợp dải ven biển trên 3 vùng thử nghiệm.

Bản đồ nhạy cảm tỉ lệ 1: 100 000 thu nhỏ (Vũng Tàu)
Kết quả thực hiện dự án là đã cung cấp tư liệu và phần mềm xử lý ảnh vệ tinh. Đã nhận 67 cảnh ảnh vệ tinh radar của Cơ quan vũ trụ Châu Âu (ERS) và 19 cảnh ảnh vệ tinh Landsat 7 (ETM). Đã tiếp nhận 3 phần mềm ENVI xử lý ảnh vệ tinh radar và ảnh quang học. Hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cán bộ. Đã tiến hành đào tạo 20 cán bộ Việt Nam thời hạn 5 tuần tại Hà Nội và 8 cán bộ Việt Nam thời hạn 2 tuần tại Trường Đại học Công nghệ Châu Á (AIT) ở Băng Cốc (Thái Lan). Thành lập bộ bản đồ chuyên đề phục vụ công tác quản lý dải ven biển tại 3 vùng: Vùng 1 (vùng miền Bắc) bao gồm dải ven biển Quảng Ninh- Hải Phòng- Thái Bình- Nam Định- Ninh Bình. Vùng 2 (vùng miền Trung) bao gồm dải ven biển tỉnh Quảng Trị- Thừa Thiên-Huế- Đà Nẵng. Vùng 3 (vùng miền Nam) bao gồm dải ven biển Bà Rịa-Vũng Tàu- TP.Hồ Chí Minh- Tiền Giang và Trà Vinh- Sóc Trăng- Bạc Liêu. Bản đồ được thành lập ở tỷ lệ 1: 100 000 trong hệ quy chiếu HN-72, với 9 chủ đề là địa lý chung, hiện trạng sử dụng đất, đô thị hoá và cơ sở hạ tầng, đất ngập nước, rừng ngập mặn và rừng tràm, bồi tụ- xói lở dải ven biển, ngập lụt, sinh thái dải ven bờ và nhạy cảm môi trường.
Ngoài ra còn có báo cáo thuyết minh cho bản đồ, trong đó được trình bày đầy đủ về cơ sở lý thuyết, phương pháp thành lập, nội dung của từng loại bản đồ và các mẫu thu nhỏ của bản đồ.
Kết quả thực hiện dự án được đánh giá cao trong việc tăng cường năng lực cho Trung tâm Viễn thám và đặc biệt là lần đầu tiên ở Việt Nam đã xây dựng được bộ bản đồ chuyên đề ở dải ven biển có nhiều nội dung phong phú và đã khẳng định được khả năng ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ công tác quản lý dải ven biển ở Việt Nam.